HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

Hà Nội: Lan toả Tết trồng cây bảo vệ môi trường


Trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa ngày càng diễn ra mạnh mẽ, phong trào Tết trồng cây không chỉ là nét đẹp văn hoá đầu Xuân ,mà còn là hành động thiết thực bảo vệ môi trường của Hà Nội.

Hệ lụy của việc thiếu “màu xanh”

Những ngày đầu năm Nhâm Dần 2022, cùng với cả nước, phong trào “Tết trồng cây" phủ xanh TP nhằm bảo vệ môi trường, đã được các cấp chính quyền Hà Nội triển khai rộng rãi tới các quận, huyện, phường, xã, thị xã trên địa bàn, có thể kế đến như: quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Đống Đa, thị xã Sơn Tây, huyện Ba Vì,...

Với mục tiêu trồng từ 100.000 – 120.000 cây xanh các loại trong đợt ra quân đầu Xuân và trong năm trồng mới từ 200.000 – 250.000 cây bóng mát, cây lấy gỗ… TP Hà Nội đã thực sự lan toả tinh thần bảo vệ môi trường tới tất cả các địa phương và Nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng độ che phủ ở Thủ đô.

Hệ thống cây xanh góp phần cải thiện môi trường, chất lượng sống của người dân. Ảnh minh họa.

Hệ thống cây xanh góp phần cải thiện môi trường, chất lượng sống của người dân. Ảnh minh họa.

Được biết, trong những năm qua, mặc dù tỷ lệ che phủ rừng có tăng lên, nhưng chất lượng rừng tự nhiên vẫn chưa cao, rừng phòng hộ chưa phát huy đầy đủ chức năng, tỷ lệ cây xanh/người dân tại các đô thị lớn và nhiều khu vực nông thôn vẫn còn thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Theo báo cáo của Cơ quan Theo dõi biến đổi khí hậu của Liên minh châu Âu (EU - C3S), năm 2021 là năm có nhiệt độ cao kỷ lục thứ 5, với nhiệt độ trung bình cao hơn nhiệt độ giai đoạn những năm 1850 đến 1900, khoảng 1,1 đến 1,2 độ C. Mức độ khí thải CO2 tăng lên mức kỷ lục 414,3 ppm, tăng khoảng 2,4 ppm so với năm 2020…

Điều này càng trở lên cấp bách hơn khi xã hội ngày càng phát triển, tốc độ đô thị hóa tăng cao, các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, đô thị tập trung... được xây dựng ngày càng nhiều, dân số tăng nhanh đã khiến môi trường đô thị ngày càng ô nhiễm đã tác động nặng nề nên môi trường sống, ảnh hưởng rộng khắp đến mọi mặt của đời sống KT-XH, đe dọa đến phát triển bền vững của đất nước. Đặc biệt, theo nghiên cứu của các nhà khoa học, biến đổi khí hậu, đặc biệt là hiệu ứng nhà kính là nguyên nhân chính dẫn đến các thảm họa thiên tai như bão lũ, nước biển dâng cao, sự diệt vong của các loại động vật, cháy rừng và đặc biệt là sức khỏe của người dân.

Theo báo cáo Đánh giá khí hậu Quốc gia, trong những năm gần đây, khí hậu diễn biến bất thường kèm theo các thiên tai mang tính cực đoan đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, tài sản của người dân và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế đất nước. Cụ thể, năm 2021, Việt Nam đã xảy ra 9 cơn bão, 3 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông, 139 trận động đất nhẹ, 326 trận mưa đá, dông lốc, sét; 174 trận mưa lớn, lũ cục bộ, trong đó 9 trận lũ ống, lũ quét, 163 vụ sạt lở bờ sông, 11 đợt nắng nóng và 19 đợt không lạnh, gió mùa Đông Bắc.

Tính đến ngày 10/11/2021, thiên tai đã làm 108 người chết, mất tích, 95 người bị thương; 306 nhà sập đổ hoàn toàn, 8.953 nhà bị hư hỏng, tốc mái; 374.672 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi; 176.590 ha lúa, rau màu và 14.146 ha cây trồng bị thiệt hại; 298 km đê, kè, kênh mương hư hỏng, sạt lở; 511km đường giao thông sạt lở... Ước tính giá trị thiệt hại hơn 5.244 tỷ đồng.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tham dự Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại quận Hoàn Kiếm.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tham dự Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ tại quận Hoàn Kiếm.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực môi trường, cây xanh, mặt nước trong đô thị có thể làm giảm 3,30C nhiệt độ không khí khi diện tích đất cây xanh đạt 20%- 50%  diện tích đất đô thị. Hiệu quả tổng hợp của bóng mát và bay hơi có thể làm giảm từ 17- 57% năng lượng cần thiết khi tăng 25% diện tích che phủ thảm thực vật. Cây xanh đô thị có thể làm giảm từ 40%- 50% cường độ bức xạ mặt trời và hấp thụ từ 70% - 75%  năng lượng mặt trời… Song hiện nay, mật độ cây xanh ở Việt Nam nói chung và các đô thị lớn còn quá thấp so với yêu cầu.

Trao đổi xoay quanh vấn đề này, KTS Trần Ngọc Chính - Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Công viên cây xanh Việt Nam, cho biết, tỷ lệ đất cây xanh, công viên so với quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện đạt rất thấp. Việc các khu đô thị mới thiếu vắng các không gian công cộng như quảng trường, vườn dạo, vườn hoa, công viên, cây xanh… đã làm cho chất lượng cuộc sống của cư dân đô thị suy giảm. Do đó, việc Chính phủ ban hành các kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025, đặc biệt là việc đẩy mạnh xã hội hóa và kêu gọi huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai trồng và bảo vệ thành công, hiệu quả, tiết kiệm là hết sức cần thiết.

Được biết, kế hoạch trồng 1 tỷ cây xanh trong giai đoạn 2021 – 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước trồng được 1 tỷ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây phân tán và 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

Và để đạt được mục tiêu đề ra, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ: Xây dựng, GTVT, TN&MT và UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chịu trách nhiệm rà soát, đánh giá thực trạng và xây dựng kế hoạch trồng cây xanh hàng năm và giai đoạn 2021 - 2025 tại các khu vực đô thị, khu công nghiệp, hệ thống giao thông ngoài đô thị, rừng đặc dụng, phòng hộ và cây phân tán…

Vân Nhi - Kinh tê & Đô thị