Đỉnh Everest mất đi lớp băng hình thành trong 2.000 năm trong chưa đầy 3 thập kỷ


Một nghiên cứu mới đây cho thấy, sông băng trên đỉnh núi cao nhất thế giới đang mất đi lượng băng lớn mỗi năm vì tình trạng biến đổi khí hậu do con người gây ra.

Phát hiện này như một lời cảnh báo rằng sông băng đang tan chảy nhanh chóng ở một số điểm cao nhất của Trái đất, có thể gây ra những tác động xấu hơn đến khí hậu, bao gồm tuyết lở thường xuyên hơn và cạn kiệt nguồn nước mà khoảng 1,6 tỷ người ở các dãy núi phụ thuộc vào để uống, tưới tiêu và thủy năng.

Lượng băng mất khoảng 2.000 năm để hình thành trên sông băng South Col Glacier đã tan chảy trong khoảng 25 năm, có nghĩa là nó mỏng đi nhanh hơn khoảng 80 lần so với thời gian hình thành.

Trong khi sự tan chảy của những sông băng được nghiên cứu rộng rãi, các nhà khoa học đã ít chú ý đến các sông băng ở những điểm cao nhất của hành tinh, các nhà nghiên cứu lập luận trong nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nature Portfolio Journal Climate and Atmospheric Science.

Một nhóm các nhà khoa học và nhà leo núi, bao gồm 6 người từ Đại học Maine, đã đến sông băng vào năm 2019 và thu thập các mẫu từ lõi băng dài 10 m (khoảng 32 feet). Họ cũng lắp đặt hai trạm thời tiết tự động cao nhất thế giới để thu thập dữ liệu và tìm câu trả lời cho câu hỏi các sông băng cao nhất của Trái đất có bị tác động bởi quá trình biến đổi khí hậu có liên quan đến con người không?

Paul Mayewski, Trưởng đoàn thám hiểm và Giám đốc Viện Biến đổi Khí hậu tại Đại học Maine, cho biết: "Câu trả lời là có và điều này diễn ra kể từ cuối những năm 1990".

Các nhà nghiên cứu cho biết, phát hiện này không chỉ xác nhận rằng biến đổi khí hậu có nguồn gốc từ con người không chỉ vươn tầm ảnh hưởng đến điểm cao nhất trên Trái đất mà còn phá vỡ sự cân bằng quan trọng mà các bề mặt phủ đầy băng tuyết mang lại.

Nghiên cứu cho thấy, khi băng của sông băng bị tan, nó sẽ mất khoảng 55 m (180 feet) băng trong 1/4 thế kỷ. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng, sông băng đã biến đổi từ bao gồm các lớp băng tuyết thành băng là chủ yếu và sự thay đổi đó có thể bắt đầu từ những năm 1950. Tuy nhiên, quá trình tan băng diễn ra mạnh mẽ nhất kể từ cuối những năm 1990.

Sự chuyển đổi thành băng này có nghĩa là sông băng không còn có thể phản xạ bức xạ từ mặt trời, làm cho nó tan chảy nhanh hơn.

Đỉnh Everest mất đi lớp băng hình thành trong 2.000 năm trong chưa đầy 3 thập kỷ - Ảnh 1.

Các sông băng trên đỉnh Everest hiện đang tan chảy nhanh chóng. (Ảnh: DownToEarth)

Mô hình mô phỏng cho thấy, do tiếp xúc với bức xạ mặt trời quá lớn, quá trình băng tan chảy hoặc hóa hơi ở khu vực này có thể diễn ra nhanh hơn 20 lần khi lớp băng tuyết bao phủ chuyển thành băng. Độ ẩm tương đối giảm và gió mạnh hơn cũng là một trong những yếu tố dẫn đến tình trạng này.

Ngoài những các tác động đối với người dân sống phụ thuộc vào nước từ các sông băng, tốc độ băng tan hiện tại cũng sẽ khiến các cuộc thám hiểm trên đỉnh Everest trở nên khó khăn hơn, khi băng tuyết phủ tiếp tục mỏng hơn nữa trong những thập kỷ tới.

Ông Mayewski nói: "Gấu Bắc Cực là hình ảnh mang tính biểu tượng của những ảnh hưởng và thiệt hại của tình trạng ấm lên ở Bắc Cực và sự mất đi của băng biển".

Cuộc thám hiểm vào năm 2019 đã lập ba kỷ lục Guinness thế giới gồm lõi băng cao nhất được chụp ở độ cao 8.020 m, chất dẻo vi nhựa được tìm thấy trên đất liền ở độ cao cao nhất (có thể là từ quần áo hoặc lều, được tìm thấy ở độ cao 8.440 m) và lắp đặt trạm thời tiết ở độ cao cao nhất trên đất liền tại "Balcony", một sườn núi cao 8.430 m trên mực nước biển.

Quỳnh Chi (Theo CNN) - VTV News