Hà Nội “vượt khó” duy trì giải pháp bảo vệ môi trường
Thực hiện Chỉ thị số 26/CT-TTg của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường (BVMT), UBND TP Hà Nội đã có nhiều bước chỉ đạo, tổ chức các đơn vị có liên quan tích cực triển khai.
Dù còn không ít khó khăn trong hành lang pháp lý, nhưng công tác bảo vệ môi trường TP Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Từ nay đến năm 2030, Hà Nội tiếp tục đặt ra nhiều nhiệm vụ nhằm duy trì, phát triển hiệu quả đã đạt được.
Xử phạt hàng chục tỷ đồng trong 5 năm
Trước tình hình diễn biến ngày càng phức tạp về môi trường, trong nhiều năm qua, UBND TP Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, nghị quyết triển khai thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường (BVMT). Trong đó, lãnh đạo TP đặc biệt chú trọng tới các chương trình, nhiệm vụ đã và đang được triển khai có tính lan tỏa và được cộng đồng hưởng ứng.
5 năm qua, những vấn đề bức xúc về môi trường từng bước được giải quyết, tình trạng ô nhiễm môi trường nước, chất thải, không khí được cải thiện. Song song với đẩy mạnh công tác phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương cũng có chuyển biến theo hướng tích cực.
Chị Nguyễn Huyền Trang (xã Dục Tú, huyện Đông Anh) cho biết, từ đầu năm 2021, người dân thường xuyên được UBND xã, UBND huyện tuyên truyền về việc phân loại rác tại nguồn để thu gom, lưu giữ, xử lý, tái chế, tái sử dụng.
Riêng tại các khu vực có cơ sở gây ô nhiễm môi trường, lực lượng chức năng quyết liệt xử lý, tháo dỡ, di dời. Qua đó chất lượng môi trường tại địa phương đã được cải thiện rõ rệt. Không chỉ riêng huyện Đông Anh, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đa số quận, huyện, thị xã trên toàn TP Hà Nội cũng có chiều hướng giảm.
Để đạt được kết quả như trên, UBND TP Hà Nội đã thường xuyên đôn đốc, chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện và thị xã triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 theo chỉ đạo của Chính phủ tại Chỉ thị số 26/CT-TTg. Yêu cầu các địa phương xây dựng kế hoạch cụ thể, báo cáo định kỳ gửi về Sở TN&MT làm căn cứ tổng hợp, báo cáo Thành ủy, UBND TP.
Với sự quyết liệt từ cấp cơ sở, công tác thanh, kiểm tra về bảo vệ môi trường được đẩy mạnh, việc phát hiện và xử lý vi phạm về ô nhiễm môi trường của các cơ sở đã được thực hiện kịp thời, đủ sức răn đe; nhận thức về bảo vệ môi trường của người dân và DN được nâng cao.
Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2021, TP Hà Nội đã thực hiện thanh, kiểm tra trên 17.000 cơ sở, xử lý 9.744 trường hợp, với số tiền phạt trên 94 tỷ đồng. Giai đoạn 2020-2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, tiến độ công tác thanh, kiểm tra có diễn ra chậm hơn so với kế hoạch nhưng các cơ quan chức năng TP Hà Nội vẫn thực hiện thanh tra hàng nghìn cơ sở, xử lý gần 3.500 trường hợp vi phạm.
Môi trường, cảnh quan Thủ đô đã được cải thiện rõ rệt trong những năm vừa qua.
Duy trì 3% ngân sách
Theo báo cáo của Sở TN&MT TP Hà Nội, BVMT là nội dung có tính liên ngành, các nội dung được quy định trong nhiều luật khác nhau, tuy nhiên giữa các luật này nhiều điểm còn có sự giao thoa, chưa thống nhất, dẫn đến còn khoảng trống, chưa đảm bảo vai trò trung tâm của công tác BVMT trong phát triển kinh tế - xã hội gây ảnh hưởng đến hiệu quả quản lý nhà nước.
Các quy định của Luật chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích sản xuất, tiêu thụ bền vững, phát triển dịch vụ môi trường, sản phẩm, hàng hoá thân thiện với môi trường, khuyến khích xã hội hóa trong một số hoạt động BVMT.
Ngoài ra, các hành vi vi phạm pháp luật về BVMT ngày càng tinh vi, phức tạp nhưng một số điều, khoản của Luật BVMT chỉ quy định về nguyên tắc nhưng không giao cơ quan nào quy định chi tiết thi hành dẫn đến thiếu tính khả thi, không được triển khai trên thực tế. Dẫn đến mức và thời hiệu xử phạt chưa đủ sức răn đe, hạn chế về thẩm quyền, vì vậy kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về BVMT gặp phải vô vàn khó khăn.
Theo một số chuyên gia, hành lang pháp lý về BVMT chưa có sự điều chỉnh để theo kịp những phát sinh sự cố ô nhiễm, suy thoái môi trường lớn, diễn ra trên diện rộng, bùng phát các điểm nóng về môi trường do xả thải.
Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần bổ sung các quy định về sàng lọc, phân loại, phân luồng dự án đầu tư, cơ chế đặc thù tăng cường kiểm soát đối với các đối tượng này để giải quyết thực tiễn quản lý môi trường đang đặt ra bức thiết.
Dù đứng trước nhiều khó khăn, vướng mắc ở giai đoạn đến 2030, nhằm tiếp tục duy trì thành quả đã đạt được, lãnh đạo UBND TP vẫn đề ra các nhiệm vụ phải hoàn thành như phục hồi môi trường khu vực bị ô nhiễm; quan trắc môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đồng thời tập trung huy động các nguồn vốn đầu tư và tăng cường xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường, hợp tác quốc tế, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên.
Mặt khác, các nguồn lực cho BVMT như tín dụng xanh, trái phiếu xanh, thực hiện đối tác công tư trong một số lĩnh vực về BVMT còn chưa đa dạng, nhưng TP vẫn duy trì trên 3% ngân sách cho sự nghiệp môi trường. Xây dựng kế hoạch thực hiện để bảo đảm tăng dần hàng năm theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Vũ Khoa - Kinh tế & Đô thị