HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

Giải pháp nào cho tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô


Từ đầu tháng 12, tình trạng ô nhiễm không khí trên dịa bàn Thủ đô liên tục có những diễn biến bất lợi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Điều đáng nói, mặc dù các cơ quan chức năng TP đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm cải thiện tình trạng trên, song đến thời điểm này, đây vẫn là bài toán không dễ giải.

Ô nhiễm ở mức báo động

Theo số liệu thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội, bắt đầu từ đầu tháng 12/2021, trước sự thay đổi của thời tiết như: nhiệt độ tăng lên, tốc độ gió giảm đi… tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thủ đô đã diễn biến hết sức phức tạp gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân.

 

Chất lượng không khí tại Hà Nội đang có những diễn biến xấu. Trong ảnh, chất lượng không khí tại thời điểm 8 giờ ngày 8/12.

Kết quả đo được từ các trạm quan trắc không khí trên địa bàn TP và các trạm của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Bắc tại thời điểm 8 giờ ngày 8/12 cho thấy, có 2 khu vực chất lượng không khí (CLKK) ở ngưỡng rất xấu, 2 khu vực xấu và 1 khu vực ở ngưỡng kém, với chỉ số CLKK (AQI) dao động từ 139 – 232, mức cảnh báo 5/6.

Tiếp đó, ngày 11/12, tại 9 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn TP có 1 trạm AQI ở mức trung bình, 3 trạm ở mức kém, 5 trạm ở mức xấu,  AQI dao động từ 95 đến 178. Gần đây nhất (ngày 14/12), tại 9 trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn TP, có 5 khu vực CLKK ở mức kém và 4 khu vực ở mức trung bình, với AQI dao động từ 65 đến 139.

Lý giải về nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội diễn biến phức tạp trong thời gian qua, đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội cho rằng, có nhiều nguyên nhân dân đến tình trạng trên, trong đó có nguyên nhân đến từ thời tiết. "Không khí lạnh suy yếu trong khi mật độ các chất gây ô nhiễm từ hoạt động giao thông và công trình xây dựng không giảm khiến bụi bẩn và các chất ô nhiễm không thể khuếch tán, thậm chí là tích tụ dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí tại một số khu vực ngày càng nặng" -  đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội phân tích.

Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế&Đô thị cho thấy, một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô ngày càng diễn biến phức tạp đến từ chính ý thức của người dân và các đơn vị chịu trách nhiệm thu gom, duy trì VSMT trên địa bàn TP. Tại rất nhiều khu vực như: khu đô thị Định Công, đường Văn Khê, Nguyễn Xiển… tình trạng đốt rác thải vẫn diễn ra khá phổ biến, kéo dài từ ngày này sang ngày khác và trở thành một những nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thủ đô.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Trao đổi với phóng viên xoay quanh vấn đề này, TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng, CLKK chuyển xấu vào thời điểm này là điều có thể lý giải được và nó đã diễn ra trong nhiều năm qua. "Vào mùa hè, thời tiết có nhiều nắng, gió, mưa… tạo điều kiện cho việc khuếch tán không khí. Tuy nhiên, khi mùa Đông đến, thời tiết rất ít gió, ít nắng, độ ẩm không khí cao… khiến các chất ô nhiễm không khuếch tán được, tích tụ gây ra tình trạng ô nhiễm không khí kéo dài"- TS Hoàng Dương Tùng nói.

 

Tình trạng đốt rác cũng là một trong những nguyên nhân khiến chất lượng không khí ngày càng xấu đi.

TS Hoàng Dương Tùng cho rằng, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ hạn chế phương tiện cá nhân, không cho phép lưu hành các phương tiện không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Đồng thời, sớm di dời các nhà máy ra khỏi nội đô, xử lý nghiêm các cơ sở phát sinh khí thải vượt ngưỡng cho phép gây ảnh hưởng đến môi trường, CLKK.

Đồng quan điểm này, Thạc sỹ Nguyễn Văn Chiến – Viện Chuyên ngành Môi trường, Viện Khoc học Công nghệ GTVT nhấn mạnh vai trò của các cơ quan chức năng, các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các phương tiện giao thông, đặc biệt là các phương tiện đường bộ. Trong đó, cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân. Ban hành các tiêu chuẩn khi thải theo hướng siết chặt phát thải theo từng thời kỳ, phù hợp với điều kiện kỹ thuật, KT-XH…

Chia sẻ về công tác giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại Thủ đô Hà Nội, Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, hiện TP đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế nguồn phát sinh chất gây ô nhiễm không khí như; xóa được hơn 98% số lượng bếp than tổ ong, giảm 80% lượng đốt rơm rạ ở ngoại thành, xóa bỏ hàng trăm lò gạch thủ công; thu gom, vận chuyển rác thải hàng ngày đạt 99 - 100% ở tất cả khu vực trên địa bàn Thủ đô…

"Đặc biệt, TP vừa mới triển khai chương trình đo kiểm khí thải xe mô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn làm cơ sở nghiên cứu, đề xuất giải pháp cải thiện CLKK. Ngoài ra, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý cơ sở sản xuất, công trình xây dựng gây bụi bẩn; yêu cầu các đơn vị VSMT tăng cường tưới nước rửa đường, thu gom rác thải... nhằm hạn chế phát sinh ô nhiễm"- Phó Giám đốc Sở TN&MT Mai Trọng Tháẻ cho biết. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, để cải thiện chất lượng môi trường không khí thì một mình Hà Nội không thể làm được mà cần phải có sự chung sức từ các bộ, ngành, địa phương khác trong triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp hạn chế phát sinh nguồn gây ô nhiễm ra môi trường.

Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ Môi trường, khi chất lượng không khí ở mức kém nhóm người nhạy cảm có thể xuất hiện các biểu hiện liên quan đến sức khỏe như đau mắt, ho… Do đó, vào các thời điểm ô nhiễm không khí chạm các ngưỡng xấu, đặc biệt là các khung giờ cao điểm, người dân không ra ngoài để tập thể dục, đặc biệt người già và trẻ em; mang khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn khi đi ra ngoài; Nên lưu thông trên đường bằng các phương tiện công cộng hoặc các phương tiên có che chắn.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, quá trình đô thị hóa, đặc biệt là sự gia tăng của các phương tiện giao thông (khoảng 12%/năm) là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới sự gia tăng ô nhiễm không khí ở các đô thị và đóng góp tới 70% tổng lượng khí bụi, khí thải vào môi trường… Điều này đã và đang gây ra nhiều tác động bất lợi tới sức khỏe cộng đồng.

Vân Nhi - Kinh tế & Đô thị