HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

Xử lý đốt rơm rạ ngoại thành Hà Nội: Hiệu quả từ đẩy mạnh cơ giới hóa


Trong ngày 17/6, tổ công tác liên ngành bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an TP Hà Nội tiếp tục kiểm tra thực tế tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại 4 huyện: Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên, Gia Lâm.

Xử lý bằng nhiều biện pháp

Báo cáo của các địa phương này đểu cho thấy, tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng chỉ còn diễn ra rất ít trong vụ thu hoạch lúa xuân 2020. Có thể thấy rõ việc đẩy mạnh cơ giới hóa và những thay đổi tích cực của người dân, tình trạng đốt rơm rạ đã thuyên giảm đáng kể.

Theo Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Thường Tín Nguyễn Trọng Đô, với lượng rơm rạ phát sinh khoảng  20.515 tấn trong vụ thu hoạch vừa qua trên địa bàn huyện, đã được xử lý bằng nhiều biện pháp như: đốt chiếm 0,7%, làm thức ăn cho gia súc (4,5%), làm giá thể trồng nấm (1,2%), bán cho các đơn vị thu mua (34%,), đun nấu (0,5%), để lại ruộng tự phân hủy (59,1%).

"Cùng với các kế hoạch, chương trình bám sát nhiệm vụ hạn chế đốt rơm rạ, đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân về tác hại và hướng dẫn các biện pháp xử lý rơm rạ thân thiện với môi trường. Phòng TN&MT huyện phối hợp UBND các xã, thị trấn xác định được các điểm đen về đốt rơm rạ, tổ chức kiểm tra thực tế, xử lý cụ thể, giải quyết dứt điểm" - ông Nguyễn Trọng Đô cho biết thêm.

Tại huyện Phú Xuyên, đến thời điểm làm việc với tổ công tác (từ khi thu hoạch vụ lúa xuân 2020) không xảy ra hiện tượng đốt rơm rạ trên các trục quốc lộ, đường giao thông (Quốc lộ 1A, tỉnh lộ 428, 429…) 

Vụ thu hoạch xuân 2020 trên địa bàn huyện, hầu hết diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hoàn nên rơm rạ phát sinh được băm nhỏ, trải đều trên mặt ruộng, lượng rơm rạ giảm nhiều. Với lượng rơm rạ phát sinh khoảng 35.000 tấn, một phần để lại trên ruộng cho tự hoai mục, phần còn lại được xử lý bằng nhiều biện pháp. Đặc biệt, một phần rơm rạ được Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên thu mua làm ổ, phục vụ việc ấp nở vịt.

Đẩy mạnh cơ giới hóa đã góp phần hạn chế đốt rơm rạ ngoài thành Hà Nội

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Có thể thấy, một trong những nguyên nhân cải thiện tình trạng đốt rơm rạ ngoại thành Hà Nội trong những năm gần đây chính là việc thực hiện tốt cơ giới hóa. Phó Trưởng Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì Nguyễn Thị Tuyết Anh cho biết : “Các xã trên địa bàn huyện đều sử dụng máy gặt đập liên hoàn để thu gặt lúa, đem lại hiệu quả cao, nhất là vấn đề xử lý rơm rạ ngay trên cánh đồng đã tạo thành nguồn phân hữu cơ, đạt 90% tương đương với khoảng 200 tấn rơm rạ.”

Đại diện tổ công tác liên ngành cho rằng, Thanh Trì là một trong những huyện có những điểm mới và sự khác biệt trong việc chấm dứt đốt rơm rạ trên đồng ruộng. Điển hình như 100% các xã có diện tích trồng lúa đã ban hành thông báo và tuyên truyền phát thanh liên tục từ cuối tháng 5 đến 10/6/2020 yêu cầu không đốt rơm rạ và sẽ hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chủ tịch huyện và giao phòng Nội vụ đưa vào đánh giá thi đua cuối năm. Đặc biệt, 100% các xã có diện tích đất trồng lúa đã ký văn bản cam kết với UBND huyện sẽ vận động, không để tình trạng đốt rơm rạ xảy ra.

Trong thời điểm diễn ra vụ thu hoạch lúa, lực lượng công an xã chính quy thường xuyên vận động, nhắc nhở bà con chủ động về máy gặt, không đốt rơm rạ trên cánh đồng, ý thức của người dân đã thay đổi nhiều nên trên đia bàn xã không xảy ra hiện tượng dốt rơm, rạ - Ông Lưu Qúy Hợi, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Thanh Oai cho biết.

Cùng với những khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, UBND các huyện kiến nghị UBND TP, Sở TN&MT tổ chức tập huấn phổ biến các biện pháp xử lý rơm, rạ thân thiện với môi trường, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế nghiên cứu thị trường, sản xuất các sản phẩm hàng hóa có sử dụng rơm, rạ là nguyên liệu đầu vào quá trình sản xuất.

Hà Ánh - Kinh tế & Đô thị