Vận động người dân cam kết không đốt rơm rạ tại đồng ruộng
(Ảnh minh họa: Đại Nghĩa/TTXVN)
Sau vụ thu hoạch lúa, nhiều người dân khu vực ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ ngay tại đồng ruộng đã trở thành thói quen cố hữu.
Việc này không những gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe, cuộc sống của người dân, nhất là trong những ngày thời tiết bất thường mà còn gây lãng phí nguồn tài nguyên.
Theo lý giải của người dân, vì không có nhu cầu sử dụng rơm rạ nên bà con đốt để lấy tro bón cho đồng ruộng vào mùa tiếp theo; việc đốt rơm rạ cũng mang lại nhiều tiện lợi như không tốn công xử lý rơm rạ, tiêu diệt được mầm mống dịch hại…
Tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia y tế, việc đốt lượng phế thải nông nghiệp khổng lồ này (trung bình mỗi năm đốt trên 1 triệu tấn) sẽ tạo ra một lượng lớn khí CO, CO2, NO2, SO2, H2O và hàng trăm hợp chất khác có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển, ảnh hưởng không nhỏ đến lưới điện.
Hơn nữa, khói rơm rạ thường có tính cay, làm chảy nước mắt, gây kích thích phản ứng ở họng, làm người hít phải bị ho, hắt hơi, lợm giọng, buồn nôn, thở khò khè hoặc có cảm giác ngạt thở...
Đặc biệt, vào những ngày trời ẩm hoặc đứng gió, khói rơm khuếch tán chậm trong không khí còn gây tác hại dài ngày.
Theo Tiến sỹ Bjoern Ole Sander - Trưởng đại diện Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) tại Việt Nam, đốt rơm rạ là một hành động lãng phí tài nguyên. Trung bình một ha lúa cho 10-12 tấn rơm rạ, Việt Nam đang sở hữu nguồn “tài nguyên” sinh khối rơm rạ khổng lồ với nhiều tiềm năng như: nguồn phân bón, chất dinh dưỡng cho đất, nguồn năng lượng tái tạo, vật liệu trồng nấm và thức ăn chăn nuôi.
[Khói - Thủ phạm gây tai nạn giao thông trên cao tốc Hà Nội-Hải Phòng]
Tuy nhiên, việc quản lý đốt rơm rạ hiện nay vẫn còn nhiều thách thức do diện tích ruộng nhỏ manh mún, thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm từ tái sử dụng rơm rạ còn hạn chế, nhận thức của cộng đồng dân cư còn thấp…
Cũng theo các chuyên gia, việc người dân cho rằng đốt rơm rạ ra tro để làm phân bón ruộng là nhận thức sai lầm bởi khi bị đốt thành tro, các chất hữu cơ có trong rơm rạ do nhiệt độ cao sẽ biến thành chất vô cơ, làm cho đồng ruộng bị khô, chai cứng.
Phần tro chỉ còn lại rất ít chất phốtpho, kali, canxi, silic... nên không giúp ích đáng kể cho cây trồng.
Từ thực trạng trên, để hạn chế, giảm thiểu việc gây ô nhiễm môi trường không khí và tai nạn giao thông do hạn chế tầm nhìn từ việc đốt rơm rạ gây ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề nghị các Ủy ban Nhân dân các quận, huyện và thị xã chỉ đạo các phòng, ban, Ủy ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động người dân hạn chế việc đốt rơm, rạ trên đồng ruộng, không phơi thóc, rơm rạ, tuốt lúa, đốt rơm rạ trên đường giao thông.
Thành phố Hà Nội vận động người dân cam kết và thực hiện tốt việc không đốt rơm bừa bãi, không xả rơm rạ xuống kênh tưới tiêu; xử lý kịp thời và kiên quyết các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Người dân cần có phương án xử lý rơm rạ đang áp dụng hiện tại như sử dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ trả lại chất dinh dưỡng cho đất và bán rơm rạ cho các đơn vị có nhu cầu thu mua vào mục đích trồng nấm, làm thức ăn cho gia súc...
Ngoài ra, bà con có thể liên hệ với Sở Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn xây dựng kế hoạch thực hiện các giải pháp hạn chế không đốt rơm rạ, tiến tới năm 2020 không còn hiện tượng đốt rơm rạ theo chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân thành phố.
Được biết, để tận dụng nguồn tài nguyên từ rơm rạ, từ tháng 2/2016, Viện Nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) và Tổ chức BMZ (Đức) đã thực hiện Dự án quản lý rơm rạ tại 3 nước Campuchia, Philippines và Việt Nam.
Kết quả, qua dự án thí điểm thu gom rơm rạ đầu tiên năm 2016, đã có 50% lượng rơm rạ trong mùa khô được thu gom, tương đương giảm 50% lượng rơm rạ bị đốt trong mùa khô; phát triển công nghệ cácbon hóa và ủ phân hữu cơ từ rơm rạ; phát triển các thực hành về sản xuất nấm rơm cải tiến và an toàn, được nhân rộng ở Campuchia và Philippines; nâng cấp chuỗi giá trị và gắn kết rơm rạ vào thị trường các sản phẩm có giá trị cao.
Tại Việt Nam, từ thực hành tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã có tới 30-50% lượng rơm rạ được thu gom trong mùa khô, tương đương giảm được 50% lượng rơm đốt trong mùa khô.
Không những vậy, dự án còn tạo thêm công ăn việc làm và thu nhập cho người nông dân từ việc tận dụng và xử lý triệt để rơm rạ./.
Theo MINH NGHĨA (TTXVN/VIETNAM)