Việt Nam sẽ rơi vào cảnh hạn hán ?
Biến đổi khí hậu có phải chỉ gắn liền với sự gia tăng của các cơn bão, tình trạng ngập lụt ở đô thị hay sự đe dọa nhấn chìm đồng bằng ven biển của mực nước biển dâng? Có ai tưởng tượng ra một tương lai nào đó, có thể là vào giữa hoặc cuối thế kỷ 21, Việt Nam sẽ rơi vào cảnh hạn hán? Nếu còn chưa nghĩ tới điều đó thì bạn hãy thử làm quen với nó đi, bởi các nhà khoa học đã dự tính đến khả năng này.
Vùng chuyên canh mía ở Phú Yên chết vì hạn hán năm 2019. Nguồn: VOV.
Trong số hơn 60 tỉnh thành của Việt Nam chỉ có Ninh Thuận và Bình Thuận luôn có nóng quanh năm và đặc biệt là lượng mưa thấp nhất cả nước. Đó là vùng khô hạn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên trong tương lai, liệu sẽ có nhiều nơi khác lâm vào hoàn cảnh tương tự? Chúng ta có nên sợ hãi sớm trước nguy cơ rủi ro hạn hán, thiếu nước ở những vùng vốn là vựa lúa, vựa tôm cá hay vựa cây trái?
Đây là câu hỏi đặt ra trước một tương lai ấm lên của Trái đất có thể khiến những điều dường như huyễn tưởng đến với mọi vùng đất. Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Để “nhìn trước” tương lai, các nhà nghiên cứu chỉ có một cách là dựa vào các phương pháp tiếp cận khoa học với những mô hình tính toán và dữ liệu thu thập để dự tính những kịch bản ở hàng chục năm đến hàng trăm năm sau.
Những kịch bản này, dù bắt nguồn từ giả định nhiệt độ trong tương lai có thể tăng lên 1,1 đến 2,60C hay 2,6 đến 4,80C (so với trung bình thời kỳ 1986 – 2005) đều dẫn đến kết cục tương đồng: sự gia tăng của hạn hán ở khắp đồng bằng sông Hồng, Bắc miền Trung, Tây Nguyên và cả đồng bằng sông Cửu Long ở giữa thế kỷ và cuối thế kỷ 21. Đó là một phần kết luận của nghiên cứu xuất bản trên tạp chí International Journal of Climatology “Projected evolution of drought characteristics in Vietnam based on CORDEX-SEA downscaled CMIP5 data” (Dự tính diễn biến của các đặc trưng hạn ở Việt Nam dựa trên dữ liệu chi tiết hóa của dự án CORDEX-SEA)1.
Theo các kịch bản dự báo, độ dài các đợt hạn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Nam Bộ chắc chắn sẽ dài hơn vào giữa thế kỉ, còn vào cuối thế kỉ thì lượng mưa sẽ giảm nhiều hơn ở Nam Bộ. Điều đó cho thấy rủi ro hạn hán có thể gia tăng ở các vùng vốn là những vựa lúa của Việt Nam.
Hạn hán nhìn gần
Nghiên cứu dự tính khí hậu giữa thế kỷ (2046–2065) và cuối thế kỷ 21 (2080 - 2099) đề cập đến một khía cạnh của biến đổi khí hậu: hạn hán. Giáo sư Phan Văn Tân (Khoa Khí tượng và Thủy văn, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN), tác giả chính của nghiên cứu, cho biết “Nói đến biến đổi khí hậu là nói đến sự thay đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác của hệ thống khí hậu, làm ảnh hưởng đến rất nhiều yếu tố liên quan. Trong số đó, nhìn chung, người ta thường hay quan tâm đến nhiệt độ và lượng mưa bởi khi thay đổi, nó sẽ kéo theo những thay đổi khác, chẳng hạn như mưa tăng hay giảm có thể tác động đến đời sống tự nhiên và xã hội”.
Theo góc nhìn của các nhà khí hậu/khí tượng học, biến đổi khí hậu dẫn đến hệ quả là sự phân bố lại năng lượng trên toàn bộ hệ thống Trái đất, dẫn đến làm thay đổi chế độ hoàn lưu của khí quyển và đại dương và do đó, làm thay đổi cơ chế tạo ra mưa – một hiện tượng mà tự nó đã vô cùng phức tạp nay lại được biến đổi khí hậu chi phối khiến cho “thiên biến vạn hóa” theo nhiều cách khác nhau như tăng giảm lượng mưa hay thay đổi địa điểm, thời điểm phân bố… khác nhau trên những vùng địa lý khác nhau và không tuân theo nhịp điệu mùa. Chúng ta hãy thử tưởng tượng, khi mưa trở thành hiện tượng cực đoan, chỉ cần tăng về lượng là có thể gây ra lũ lụt còn nếu giảm về lượng thì dẫn đến thiếu nước. “Đến thời điểm nào đó, tự dưng mưa giảm so với điều kiện trung bình, sẽ tạo ra hiện tượng thiếu nước, tất yếu dẫn đến hạn hán (drought), tức là sự thiếu hụt nước trong một khoảng thời gian nhất định, còn khô hạn (aridity) là tình trạng ít mưa kéo kéo dài triền miên”, giáo sư Phan Văn Tân giải thích.
Nếu nhìn bề ngoài, hạn hán chỉ là chuyện thiếu hụt nước mưa nhưng trên thực tế, nó là những thang bậc khác nhau và mức độ tác động khác nhau. Ở nấc thứ nhất là hạn khí tượng – đơn thuần liên quan đến việc hụt lượng mưa so với trung bình nhiều năm, nhưng nó dẫn đến sự mất cân bằng giữa lượng nước tích lũy trong đất và nhu cầu nước của cây trồng, dẫn đến nấc thứ hai là hạn nông nghiệp. Theo hiệu ứng domino này, nếu sự thiếu hụt nước kéo dài hơn dẫn đến mực nước sông suối hạ thấp sẽ dẫn đến hạn thủy văn, và khi sự thiếu hụt mưa dẫn đến tình trạng thiếu nước sản xuất và sinh hoạt thì đó là hạn kinh tế xã hội. Giáo sư Phan Văn Tân nói “Chúng tôi quan tâm đến hạn khí tượng vì nó là nguồn gốc của ba loại hạn còn lại, đặc biệt hạn kinh tế xã hội”.
Ông và các thành viên thực hiện nghiên cứu để giải đáp câu hỏi “trong tương lai, nếu nhiệt độ tăng cao và lượng mưa giảm thì liệu có hạn hán xảy ra ở Việt Nam không và nếu xảy ra thì như thế nào, ở mức độ nào so với quá khứ”? “Thực ra mưa ít hay mưa nhiều không quan trọng, quan trọng là lượng mưa ở mức độ như thế nào so với điều kiện trung bình. Nếu hụt so với điều kiện này thì ắt xảy ra hạn. Đấy là nội dung chúng tôi làm trong vòng ba năm qua”, ông nói.
Vườn cà phê hép khô ở xã Đạ Sal, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng. Nguồn: Báo Nhân dân.
Chạy đâu khỏi hạn hán
Hạn hán luôn khởi đầu một cách thầm lặng, “khi người ta phát hiện ra là xảy ra hạn hán thì có nghĩa là nó đã tác động thật sự đến môi trường xung quanh rồi”, giáo sư Phan Văn Tân nhận xét. Điểm phức tạp trong nghiên cứu hạn hán là không thể quan trắc được chúng.
Thông thường, để phát hiện ra bản chất và xu hướng của một hiện tượng thiên nhiên nào đó như mưa bão, lũ lụt…, các nhà nghiên cứu phải tìm hiểu sự biến đổi các hiện tượng ấy trong một khoảng thời gian đủ dài và dựa vào mô hình số trị (numerical model), dữ liệu thu thập và một số bộ công cụ khác. Trong trường hợp này, để hình dung ra những bức tranh hạn hán có thể xảy ra theo từng khu vực của Việt Nam ở giữa thế kỷ và cuối thế kỷ – nói theo ngôn ngữ khí tượng/khí hậu là “dự tính dựa trên các kịch bản” - các nhà nghiên cứu đã sử dụng những công cụ đó tìm hiểu các điều kiện về hạn như sự phân bố theo không gian và thời gian và đánh giá các đặc trưng dự tính của hạn như độ kéo dài các đợt hạn, cường độ, độ khắc nghiệt, sự mở rộng về không gian của hạn, khoảng thời gian chuyển tiếp giữa hai đợt hạn theo hai kịch bản phát thải của toàn cầu là RCP4.5 (tương ứng với nhiệt độ tăng lên 1,1 đến 2,60C) và RCP8.5 (tương ứng với nhiệt độ tăng lên 2,6 đến 4,80C). “Các kịch bản phát thải theo các mô hình khí hậu toàn cầu (GCM) là dành cho toàn cầu. Ở đây, chúng tôi hạ độ phân giải xuống và chi tiết hóa cho khu vực của mình. Với độ phân giải cao hơn đó, chúng tôi mới phân tích được hạn hán của Việt Nam và Đông Nam Á”, giáo sư Phan Văn Tân giải thích.
Giáo sư Phan Văn Tân. Ảnh: Thanh Nhàn.
Một công cụ hữu dụng mà họ sử dụng là chỉ số Palmer (Palmer Drought Severity Index), vốn được phát triển riêng cho xử lý dữ liệu nhiệt độ và lượng mưa để ước tính mức độ hạn hán liên quan. Nếu không có chỉ số Palmer, dữ liệu từ các mô phỏng mô hình khí hậu vùng (RCM) được chi tiết hóa không thể trở thành “những con số biết nói” về độ khốc liệt của hạn hán và những biến thiên của nó theo không gian và thời gian.
“Không thể chắc chắn những kịch bản này có thể xảy ra hay không xảy ra trong tương lai. Thông thường, kịch bản phát thải thấp cho ta thông tin về điều mình muốn xảy ra nhưng chưa chắc đã xảy ra còn kịch bản phát thải cao cho ta thông tin về những rủi ro mà ta cần lường trước. Thông tin, dù bất định hay không bất định, cũng đáng để quan tâm bởi nó chính là gợi ý để giúp chúng ta quản lý rủi ro”. Giáo sư Phan Văn Tân
Khi có các kịch bản trong tay, họ suy nghĩ gì? Đó là những xúc cảm lẫn lộn khó tách bạch bởi hòa trộn giữa niềm vui của người làm nghiên cứu khi đón nhận kết quả sau rất nhiều ngày thu thập dữ liệu, chạy mô hình và nỗi lo của người Việt Nam trước một tương lai nhiều rủi ro. “Kết quả của chúng tôi cho thấy thời gian, mức độ nghiêm trọng và cường độ hạn hán được dự tính sẽ tăng lên ở hầu hết các tiểu vùng khí hậu của Việt Nam. Đặc biệt, hạn hán được dự báo là sẽ gay gắt hơn ở đồng bằng sông Hồng, khu vực Bắc Trung Bộ và Nam Bộ. Quy mô không gian hạn hán được dự tính sẽ tăng vào mùa khô và cả trong các tháng chuyển tiếp giữa mùa khô và mùa mưa cũng như những tháng đầu mùa mưa. Ở nhiều khu vực, thời gian giữa các đợt hạn hán bị rút ngắn”, các nhà nghiên cứu viết trong công bố của mình.
Những thông tin rút ra từ các kịch bản dự báo không dễ bị bỏ qua. Theo đó, Việt Nam, vốn đã khắc nghiệt hơn vào mùa hè ở vài năm gần đây, sẽ ngày một nóng lên với mức nhiệt độ tăng 1,5 đến 20C trong một số kịch bản giữa thế kỷ và tăng 3 đến 40C vào cuối thế kỷ. Lượng mưa được dự báo sẽ giảm khoảng 10–20% vào giữa thế kỷ và giảm đến 30% vào cuối thế kỷ. Việc kết hợp giữa nhiệt độ tăng và lượng mưa giảm tất yếu dẫn đến sự thiếu nước ở các lớp đất mặt. Đây là lý do khiến gia tăng mức độ và cường độ hạn hán, đặc biệt vào những tháng cuối mùa khô và những tháng đầu mùa mưa. “Thông thường, vào tháng nào đó ở mùa khô, việc không mưa ở một vùng dẫn đến việc lượng mưa trung bình tháng đó thấp hơn trung bình nhiều năm. Khi đó hạn sẽ xảy ra. Hạn hán trong mùa khô có tác động xấu hơn mùa mưa vì mùa khô vốn dĩ đã thiếu nước, nếu xảy ra hạn thì càng thiếu nước hơn”, giáo sư Phan Văn Tân giải thích.
Nếu hạn hán xảy ra vào mùa mưa cũng phức tạp không kém. “Về mùa mưa, cơ bản là mưa nhiều nên lượng mưa ít hơn thì người ta cũng không thấy quan trọng lắm. Nhưng về lâu dài, hạn xảy ra vào mùa mưa khiến mực nước giảm, dẫn đến lượng nước bổ cập vào nước ngầm cũng như nước tích lũy trong các hồ thủy điện sẽ giảm, nó sẽ kéo theo những hệ quả khác”, ông nói. Theo nghĩa này, biến đổi khí hậu không chỉ khiến cho mưa trong tương lai không phù hợp với xu thế cũ mà còn có thể khiến tháng nào trong năm cũng có nguy cơ hạn hán, nếu như lượng mưa rơi xuống ít hơn mức trung bình.
Do đó, nguy cơ hạn hán được dự báo có thể xuất hiện ở khắp các vùng ở Việt Nam, đáng chú ý là Tây Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Nam Bộ trong mùa đông từ tháng 11 đến tháng hai vào giữa thế kỷ, theo kịch bản phát thải trung bình. Còn theo kịch bản phát thải cao, “vào giữa thế kỷ, hạn hán tăng lên trong những tháng mùa thu, mùa hè, mùa đông giảm đi và vào cuối thế kỷ, hạn hán tăng lên vào những tháng mùa xuân và mùa đông”, giáo sư Phan Văn Tân nói.
Các khu vực có nguy cơ rủi ro hạn hán này đều nằm trên lưu vực các con sông lớn như sông Hồng-Thái Bình, cụm sông Đông Nam Bộ và lưu vực sông Đồng Nai, nơi cư ngụ của gần 2/3 dân số và đóng góp đến 80% GDP của Việt Nam, theo báo cáo “Việt Nam: Hướng tới một hệ thống nước có tính thích ứng, sạch và an toàn” (Worldbank, 2019).
Thích ứng thế nào với một tương lai hạn hán?
Theo các kịch bản dự báo này, “độ dài các đợt hạn ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, Nam Bộ chắc chắn sẽ dài hơn vào giữa thế kỷ, còn vào cuối thế kỷ thì lượng mưa sẽ giảm nhiều hơn ở Nam Bộ. Điều đó cho thấy rủi ro hạn hán có thể gia tăng ở các vùng vốn là những vựa lúa của Việt Nam”, giáo sư Phan Văn Tân nói.
Rất nhiều hệ quả có thể sẽ tới, nếu theo các kịch bản dự tính này: các hồ chứa thủy điện có nguy cơ không tích được đủ nước (vài năm gần đây, thủy điện Hòa Bình đã phải đối mặt với bài toán này) để phát điện và cung cấp nước cho nông nghiệp (trong khi theo một số dự báo thì nhu cầu năng lượng dự kiến sẽ tăng 2,5 lần từ năm 2015 đến 2035); các mực nước trên các sông chính sẽ ngày càng thấp xuống (vốn dĩ lòng sông đã bị hạ thấp hoặc biến dạng vì nạn khai thác cát), các trạm thủy điện càng khó hút được nước; các nhà máy nước sẽ khó tìm nguồn nước mặt để cung cấp đủ nước sinh hoạt, sản xuất; việc khoan giếng tìm nước có thể sẽ càng phổ biến hơn, dẫu biết sẽ dẫn đến nguy cơ sụt lún đất; các hồ chứa, suối nhỏ sẽ trơ đáy, ảnh hưởng đến môi trường và hệ sinh thái; tình trạng xâm nhập mặn càng gia tăng ở đồng bằng ven biển (điều thường xảy ra vào mùa khô trong vài năm trở lại đây ở ĐBSCL)…
Trong khi đó, “tăng trưởng kinh tế, thay đổi mô hình tiêu dùng và áp lực gia tăng dân số sẽ tiếp tục làm gia tăng nhu cầu sử dụng nước ở Việt Nam. Trong vòng 25 năm tới, nhu cầu sử dụng nước hằng ngày của dân cư ở các khu đô thị dự kiến sẽ tăng gấp đôi so với khả năng đáp ứng của hệ thống hiện tại…”, theo báo cáo của Worldbank.
Vậy có cách nào cứu vãn? “Hạn là hiện tượng tự nhiên, chúng ta không thể chống lại được. Tuy nhiên cũng có thể có nhiều cách ứng phó với hạn, giảm thiểu thiệt hại của nó”, giáo sư Phan Văn Tân cho biết.
Trên thế giới, hạn hán cũng là vấn đề đau đầu của nhiều quốc gia mà chưa có cách giải quyết ổn thỏa, ngoại trừ cắt giảm việc sử dụng nước. Tuy nhiên, việc cắt giảm nhu cầu nước sạch là điều không ai muốn. Ví dụ theo thông tin từ Santa Monica Daily Press - một nhật báo ở Santa Monica, California, ảnh hưởng của một đợt hạn hán nghiêm trọng khiến thống đốc bang Gavin Newsom yêu cầu gần 40 triệu cư dân của bang tự nguyện giảm lượng nước sử dụng xuống 15% nhưng trên thực tế thì chẳng mấy người áp dụng3. Một cách khác người ta thường nhắc đến là lọc nước biển nhưng hạn chế của nó là chi phí vẫn còn cao.
Có lẽ, cũng giống như ô nhiễm không khí, tình trạng ô nhiễm chỉ có thể cải thiện đáng kể khi chúng ta tìm ra và hạn chế được nguồn phát lớn nhất. Nếu áp dụng hướng giải quyết này thì cần giảm lượng nước sử dụng ở lĩnh vực nào đầu tiên? Theo báo cáo của Worldbank, lĩnh vực sử dụng nhiều nước nhất ở Việt Nam là nông nghiệp với 81%, tiếp đến là nuôi trồng thủy sản 11%. Với tình hình hạn hán được dự báo, liệu có thể hạn chế được việc sử dụng nước trong nông nghiệp? “Tôi nghĩ với Việt Nam, nông nghiệp là lĩnh vực đặc biệt vì nó gắn liền với sinh kế của khoảng 60% người dân, dẫu tỉ lệ đóng góp vào GDP không cao so với các ngành khác. Vì vậy giải pháp dành cho nó sẽ phải rất cẩn trọng”, giáo sư Phan Văn Tân trầm ngâm nói. “Tất nhiên, vẫn có cách thích ứng cho ngành nông nghiệp ở tầm vĩ mô như thay đổi cơ cấu nông nghiệp, cơ cấu sản xuất đến tầm vi mô như phương thức canh tác, giống cây trồng..., ví dụ những giống lúa, giống đậu mới có khả năng chịu hạn tốt hơn chẳng hạn”.
Mặt khác, theo gợi ý của Worldbank thì Việt Nam cần có cách sử dụng nước hiệu quả hơn, đặc biệt trong nông nghiệp bởi “lượng nước sử dụng trong nông nghiệp theo truyền thống thường lớn và chủ yếu là tưới các cây trồng cần nhiều nước nhưng có giá trị thấp, điển hình là ngành lúa gạo mà Việt Nam đang là nước xuất khẩu lớn thứ hai trên thế giới”.
***
Việc dự tính khí hậu trong tương lai bao giờ cũng là những kịch bản giả định (và là những giả định có lý). Giáo sư Phan Văn Tân không quên nhắc đi nhắc lại điều đó “Không thể chắc chắn những kịch bản này có thể xảy ra hay không xảy ra trong tương lai. Kịch bản phát thải thấp cho ta thông tin về điều mình muốn xảy ra nhưng chưa chắc đã xảy ra còn kịch bản phát thải cao cho ta thông tin về những rủi ro mà ta cần lường trước. Thông tin, dù bất định hay không bất định, cũng đáng để quan tâm bởi nó là gợi ý để giúp chúng ta quản lý rủi ro”. Đó là lý do ông tin rằng, các nhà quản lý sẽ cần phải lưu tâm đến những thông tin mà nghiên cứu này đưa ra.
Dự báo luôn chỉ là dự báo nhưng nếu cứ giữ tinh thần “chỉ tin vào những gì mắt thấy tai nghe” thì rất có thể khi phát hiện có hạn hán, tất cả đã quá muộn...
Có lẽ, không ai muốn bước tới một tương lai như vậy mà không kịp chuẩn bị gì.
-------------
1. https://rmets.onlinelibrary.wiley.com/doi/10.1002/joc.7150?af=R
2. https://www.smdp.com/california-backslides-on-water-conservation-amid-drought/210527
Đều xuất bản trên tạp chí International Journal of Climatology nhưng nếu “Projected evolution of drought characteristics in Vietnam based on CORDEX-SEA downscaled CMIP5 data” (Dự tính diễn biến của các đặc trưng hạn ở Việt Nam dựa trên dữ liệu chi tiết hóa của dự án CORDEX-SEA) dự tính hạn hán cho Việt Nam giữa và cuối thế kỷ 21 thì công trình xuất bản trước đó “Space–time variability of drought over Vietnam” (Sự biến thiên theo không gian – thời gian của hạn hán khắp Việt Nam) là đánh giá hạn hán giai đoạn 1980–2014. Cả hai đều là sản phẩm nghiên cứu từ đề tài “Đánh giá sự biến đổi của các đặc trưng hạn hán trên khu vực Việt Nam và Đông Nam Á” (NAFOSTED/2019) do giáo sư Phan Văn Tân chủ trì.
Anh Vũ - Tạp chí Tia Sáng