Hội nghị Dầu khí thế giới lần thứ 23: Nỗ lực giảm thiểu lượng khí thải carbon


Hội nghị Dầu khí thế giới lần thứ 23 đang diễn ra ở Houston (Mỹ) với nội dung trọng tâm là bàn về tương lai của ngành Dầu khí. Trong bối cảnh các quốc gia đang bị gia tăng áp lực hạn chế sản xuất nhiên liệu hóa thạch và chuyển sang phát triển năng lượng tái tạo, những nhà sản xuất dầu phải nỗ lực tìm cách giải quyết yêu cầu của các chính phủ về giảm thiểu lượng khí thải carbon và chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch.

Quang cảnh Hội nghị Dầu khí thế giới lần thứ 23 tại Houston (Mỹ).

Sự kiện toàn cầu uy tín nhất của ngành Dầu khí diễn ra từ ngày 6 đến 9-12 (giờ địa phương), quy tụ hơn 5.000 đại diện đến từ 70 quốc gia, bao gồm các bộ trưởng, chuyên gia, người đứng đầu các công ty năng lượng lớn.

Đơn vị tổ chức hội nghị là Hội đồng Dầu khí thế giới (WPC, trụ sở tại London, Anh) được thành lập vào năm 1933, gồm 65 nước thành viên chiếm hơn 96% sản xuất và tiêu thụ dầu khí toàn cầu. Đại diện WPC cho biết, hội nghị năm nay xoay quanh các chủ đề về vai trò của dầu và khí đốt Mỹ trên thị trường năng lượng toàn cầu; sự phát triển của đá phiến dầu, chuyển đổi năng lượng từ dầu, khí đốt và than đá sang năng lượng gió, mặt trời và các công nghệ sạch khác; tầm nhìn tương lai về ngành năng lượng...

Các cuộc thảo luận trong 4 ngày diễn ra Hội nghị Dầu khí thế giới với sự tham dự của giám đốc điều hành từ các tập đoàn dầu khí khổng lồ Exxon Mobil Corp, Chevron, Saudi Aramco, Halliburton Co... nhằm thúc đẩy nhu cầu cung cấp dầu và khí đốt trên toàn cầu khi thế giới chuyển sang sử dụng nhiên liệu sạch hơn.

Ông Amin Nasser, Giám đốc điều hành của Saudi Aramco, nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới cho biết, việc tiếp tục đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch là cần thiết và việc chuyển đổi nhanh chóng sang năng lượng sạch có thể gây ra lạm phát, bất ổn xã hội.

Trong khi đó, các giám đốc điều hành của Exxon và Chevron cho rằng, nhu cầu về dầu và khí đốt sẽ vẫn ở mức cao trong những năm tới bất chấp những nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế năng lượng sạch. “Dầu và khí đốt tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của thế giới và chúng tôi đóng một vai trò thiết yếu trong việc cung cấp theo cách ít carbon hơn”, Giám đốc điều hành của Chevron Mike Wirth cho biết tại hội nghị.

Thực tế, nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trên thế giới đã tăng trở lại mạnh mẽ vào năm 2021, do mức tiêu thụ khí đốt tự nhiên đã bằng mức trước khi có đại dịch Covid-19 còn giá dầu cao kỷ lục. Các nền kinh tế ở châu Âu và châu Á đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp năng lượng và sưởi ấm, buộc phải tranh giành nhiên liệu hoặc hạn chế nhu cầu. Đồng thời, nhiều quốc gia sản xuất dầu lớn đã không thể đạt được mục tiêu sản lượng.

Tuy nhiên, khi các quốc gia đặt ra các mục tiêu giảm phát thải carbon để đối phó với tình trạng nhiệt độ tăng trên toàn thế giới, những lời kêu gọi rời xa nhiên liệu hóa thạch ngày càng nhiều hơn. Ngày 6-12, Exxon đã công bố kế hoạch đạt được mức phát thải ròng từ các hoạt động kinh doanh trong các mỏ dầu và khí đốt ở Tây Texas và New Mexico (Mỹ) vào năm 2030 như một phần trong nỗ lực hạn chế phát thải. Còn ông David Lawler, người đứng đầu chi nhánh tại Mỹ của Tập đoàn BP cho biết, BP đang đầu tư 1 tỷ USD trên toàn thế giới để giảm lượng khí thải tại các nhà máy lọc dầu...

Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cảnh báo rằng, các khoản đầu tư vào các dự án dầu khí mới phải lập tức dừng lại để thế giới đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, qua đó tránh những hậu quả tồi tệ nhất của tình trạng biến đổi khí hậu. Do đó, tại hội nghị, nhiều chuyên gia cho rằng, các công ty khai thác dầu mỏ phải có trách nhiệm giảm lượng khí thải và đó là một giải pháp quan trọng để chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu.

Thùy Dương - Hà Nội mới