Lần đầu tiên kể từ khi đóng cửa vì COVID-19, lượng khí thải carbon của Trung Quốc giảm


Nghiên cứu được công bố ngày 25/11 cho thấy, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã giảm trong quý III/2021, lần đầu tiên kể từ khi nước này đóng cửa vì dịch COVID-19.

Nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cảnh báo, nguy cơ suy giảm kinh tế có thể sớm khiến nhà chức trách Trung Quốc chuyển sang các biện pháp kích thích cơ sở hạ tầng, làm tăng lượng khí thải CO2 một lần nữa.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã tuyên bố sẽ đạt mức phát thải cao nhất trước năm 2030 và tiến tới mức độ trung hòa carbon vào năm 2060, nhưng giới chức Trung Quốc đã rất chật vật để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Lượng khí thải của Trung Quốc đã giảm đáng kể vào đầu năm 2020 do các đợt kiểm dịch, truy vết nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2, sau đó tăng trở lại cao hơn mức phát thải trung bình hàng tháng trong năm 2019, khi các thành phố và nhà máy ở nước này mở cửa trở lại.

Tuy nhiên, trong quý III/2021, Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm 0,5% lượng khí thải từ nhiên liệu hóa thạch và xi măng so với cùng kỳ năm 2020, mức giảm theo quý lần đầu tiên kể từ khi phục hồi sau đợt đóng cửa, nhà phân tích Lauri Myllyvirta của CREA cho biết.

Lần đầu tiên kể từ khi đóng cửa vì COVID-19, lượng khí thải carbon của Trung Quốc giảm - Ảnh 1.

Quý III/2021, Trung Quốc đã đạt mức giảm lượng khí thải theo quý thấp nhất lần đầu tiên kể từ khi phục hồi sau đợt đóng cửa. (Ảnh: AP)

Theo ông Myllyvirta, mức giảm khí phát thải này là do hoạt động xây dựng giảm cường độ sau khi Bắc Kinh trấn áp hoạt động đầu cơ và nợ trong lĩnh vực bất động sản, cũng như giá than cao dẫn đến việc Trung Quốc phải phân bổ điện năng trên toàn quốc.

Ông Myllyvirta viết trong báo cáo của mình: "Việc giảm lượng khí thải có thể đánh dấu một bước ngoặt và là mức giảm sớm trong tổng lượng khí thải của Trung Quốc, nhiều năm trước mục tiêu đạt đỉnh trước năm 2030".

Đồng thời, ông Myllyvirta cảnh báo, "nếu Chính phủ Trung Quốc tăng cường xây dựng để thúc đẩy nền kinh tế của mình, lượng khí thải có thể tăng trở lại một lần nữa, trước khi đạt đỉnh vào cuối thập kỷ này".

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 diễn ra gần đây đã khiến các cam kết về khí hậu của Trung Quốc trở thành tâm điểm chú ý. Các nhà phê bình cho rằng, nước gây ô nhiễm nhiều nhất thế giới này không đủ quyết tâm trong các mục tiêu giảm phát thải của mình.

Đầu tháng 11, các khu vực phía Bắc Trung Quốc đã bị ô nhiễm nặng sau khi chính quyền địa phương cho biết, họ đã tăng sản lượng than sử dụng hàng ngày hơn 1 triệu tấn để giảm bớt tình trạng thiếu hụt năng lượng.

Quỳnh Chi (Theo France24) - VTV News