Thực trạng đốt rơm rạ ngoại thành Hà Nội: Có giảm nhưng chưa bền vững
Những năm gần đây, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng đốt rơm rạ vào cuối năm 2020. Nhiều huyện ngoại thành đã tích cực thực hiện và có những kết quả khả quan. Tuy nhiên, qua thực tế, tình trạng đốt rơm rạ tại các địa phương tuy có giảm nhưng chưa bền vững.
Trong ngày 15/6, tổ công tác liên ngành bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công an TP Hà Nội kiểm tra thực tế tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại 4 quận, huyện: Mỹ Đức, Ứng Hòa, Thanh Oai, Hà Đông.
Báo cáo của các địa phương này đều cho thấy, với nhiều biện pháp được triển khai cụ thể nên tình trạng tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng đã thuyên giảm, nhưng vẫn còn diễn ra nhỏ lẻ trong vụ thu hoạch lúa xuân 2020.
Cần nhân rộng mô hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch bằng chế phẩm sinh học để góp phần đẩy lùi tình trạng đốt rơm,rạ ngoại thành Hà Nội
Tại huyện Thanh Oai, 5 năm trở lại đây hiện tượng đốt rơm rạ trực tiếp ở đồng ruộng trên địa bàn huyện có chiều hướng giảm đáng kể do người dân đã được tuyên truyền và chủ động tận dụng rơm rạ, để sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Sau vụ thu hoạch lúa xuân 2020, với lượng rơm rạ phát sinh khoảng 35.700 tấn đã được xử lý bằng các phương pháp như làm nguồn thức ăn cho gia súc chiếm 3%; ủ làm phân lót chuồng, phủ gốc cây trồng (10%); xử lý bằng chế phẩm sinh học, trồng nấm (3%); đốt (1%)...
"Bên cạnh việc vận động, tuyên truyền, huyện tổ chức hội nghị tuyên truyền tới đội ngũ khuyến nông viên, giám đốc HTX và nhân dân tại 1 số xã. Mô hình này đã đem đến nhiều hiệu quả rất tích cực, tuy nhiên do hạn chế về kinh phí nên chưa được mở rộng tại 21 xã, thị trấn của huyện" - bà Bùi Thị Thúy Hường - Trưởng phòng TN&MT huyện Thanh Oai cho biết.
Còn huyện Ứng Hòa, còn khoảng 11% lượng rơm rạ sau thu hoạch dùng phương pháp đốt. Theo Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Ứng Hòa Đỗ Mạnh Hải, trước vụ thu hoạch, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền trên hệ thống phát thanh về tác hại của việc đốt rơm rạ, vận động người dân cam kết không đốt rơm rạ, xử lý rơm rạ bằng các biện pháp thân thiện với môi trường.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền nên vụ xuân hè vừa qua hiện tượng đốt rơm rạ tại huyện Mỹ Đức gần như không còn xảy ra. Ngoài việc, rơm rạ được sử dụng vào các mục đích khác, có thể thấy rõ do quá trình thu hoạch sử dụng máy gặt đập liên hoàn, rơm bị thổi tung và nát.
Sau vài hôm thu hoạch các cánh đồng được cày xới chuẩn bị cho vụ tiếp theo nên rơm, rạ sẽ được vùi trực tiếp xuống đồng ruộng. 100% gốc rạ để tự phân hủy tại ruộng.
Qua kiểm tra thực tế, tổ công tác liên ngành cho rằng, tình trạng đốt rơm rạ tại các địa phương tuy có giảm nhưng chưa bền vững. Nguyên nhân còn do các huyện còn gặp những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện nhiệm vụ hạn chế đốt rơm, rạ.
Trong đó, ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, không sẵn sàng chi trả phí mua chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ; thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm rạ; tại địa phương, không có doanh nghiệp thu mua rơm rạ của người dân để làm nguyên liệu đầu vào sản xuất hàng hóa; nguồn ngân sách huyện hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công tác bảo vệ môi trường; chính quyền một số địa phương chưa chủ động vào cuộc...
Cùng với những tồn tại cần khắc phục, UBND các huyện đã đưa ra kiến nghị UBND TP Hà Nội, Sở TN&MT ban hành quy định về việc cấm đốt rơm rạ và có chế tài cụ thể giao công an cấp xã xử lý các cá nhân, hộ gia đình vi phạm. Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí mua chế phẩm xử lý rơm rạ, máy gặt đập liên hoàn. Giới thiệu đơn vị thu mua để thu mua rơm cho địa phương…
Hà Ánh - Kinh tế & Đô thị