Sau hơn 10 ngày thí điểm đo kiểm khí thải xe máy: Cần thay đổi giải pháp để nhân rộng


Trước tình trạng ô nhiễm môi trường tại Thủ đô đang diễn biến phức tạp, Hà Nội đã tổ chức chương trình "Thí điểm đo kiểm khí thải xe ô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP Hà Nội". Sau hơn 10 ngày diễn ra chương trình, các chuyên gia nhìn nhận đây là cách làm hay nhằm cải thiện môi trường, song nếu không có những sự điều chỉnh phù hợp, biện pháp trên rất khó để phát huy được hiệu quả như kỳ vọng.

Người dân chưa mặn mà

Theo thống kê của Chi cục Bảo vệ Môi trường, Sở TN&MT Hà Nội, tính đến hết ngày 21/11, tổng số xe máy tham gia đo kiểm khí thải theo chương trình "Thí điểm đo kiểm khí thải xe ô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP Hà Nội" là 1.451 xe. Trong đó, xe đạt lần 1 (trước khi đo khí thải, bảo dưỡng) là 51,07%; Xe đạt lần 2 là 74,92% (sau khi đã đo khí thải); tổng số xe 2 lần đạt là 82,36%, tương tương 1.220 xe.

 

Một điểm đo kiểm khí thải xe mô tô, xe máy trên địa bàn thành phố. Ảnh Phạm Công.

Có thể nói, trong hoàn cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, đây là con số rất đáng ghi nhận, song với với khoảng 5,7 triệu xe máy, trong đó khoảng 2 triệu xe cũ (số liệu tính đến tháng 3/2019) thì đây vẫn là con số rất khiêm tốn. Điều đáng nói, trong tổng số khoảng 2 triệu xe cũ, nát số trường hợp đủ điều kiện tham gia chương trình hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới… hiện chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, nhiều người dân cho rằng, đây là chủ trương hay nhưng rất khó để thực hiện, đặc biệt là với những người lao động nghèo, xe máy là phương tiện kiếm cơm chính. Anh Nguyễn Văn Công – một người bán hoa quả rong bằng xe máy trên đường Nguyễn Xiển chia sẻ, nghe anh rủ nhau đi đo khí thải xe, mình cũng tò mò. Song, chưa kịp đi thì anh em đi về bảo, đi lại mất thêm vài trăm ngàn nên lại thôi. “Với nhiều người vài ba trăm là không số tiền nhỏ, nhưng với những người lao động như chúng tôi đây là số tiền lớn, đủ để nuôi sống gia đình trong vài ngày. Thêm nữa, đạt hay không đạt cũng đã bị xử phạt hoặc cấm sử dụng đâu nên đợi khi nào kinh tế dư giả rồi tính” – anh Công chia sẻ.

Tương tự, đối với chương trình hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới, anh Nguyễn Tùng Lâm (phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân) bày tỏ rất khó để tham gia được chương trình. Lý giải về việc này, anh Lâm cho biết, ngoài việc đảm bảo các quy định như: Đăng ký lần đầu trước năm 2002 và đăng ký tại Hà Nội; Xe máy hoàn tất thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe với cơ quan đăng ký… người dân sẽ phải bỏ ra số tiền gần tối thiểu 17, 18 triệu nữa để mua xe mới. Trong khi đó, phần lớn những người sử dụng xe máy có “tuổi đời” từ 20 năm trở lên là những người lao động nghèo nên rất khó để họ bỏ ra một số tiền lớn để thay thế cho chiếc xe cũ vẫn đang đáp ứng các yêu cầu.

Cần những biện pháp đồng bộ

Đề cập đến chương trình “Thí điểm đo kiểm khí thải xe ô tô, xe gắn máy cũ đang lưu hành trên địa bàn TP Hà Nội”, nhiều chuyên gia cho rằng, để thu hút được người dân tham gia chương trình, các đơn vị chức năng cần giảm bớt các thủ tục liên quan đến việc hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới như: không giới hạn địa phương đăng ký, thời gian đăng ký lần đầu… bởi, một lượng phương tiện cũ nát đang lưu hành trên địa bàn TP từ các địa phương khác về. Ngoài ra, Nhà nước cần xem xét tăng kinh phí hỗ trợ đổi xe cũ lấy xe mới để khuyến khích người dân tích cực tham gia.

 

Theo các chuyên gia, việc tổ chức đo khí thải xe máy là hết sức cần thiết để cải thiện môi trường. Ảnh Phạm Công.

Đánh giá về chương trình này, Thạc sỹ Nguyễn Văn Chiến – Viện Chuyên ngành Môi trường, Viện Khoc học Công nghệ GTVT cho rằng, việc các đơn vị chức năng thí điểm đo khí thải xe máy, hỗ trợ đổi xe máy cũ lấy xe máy mới là điều rất cần thiết, đáng hoan nghênh. Song, để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí do các phương tiện giao thông gây ra, chúng ta cần hạn chế phát triển phương tiện cá nhân, hỗ trợ về tiền, phí đăng ký xe mới… để khuyến khích người dân thay thế phương tiện không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Đồng quan điểm trên, PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường cho rằng, cùng với việc giám sát lượng khí thải phát sinh, hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, tăng cường sử dụng phương tiện công cộng, khuyến khích sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường… các đơn vị chức năng cần xem xét đánh thuế môi trường cả xe ô tô và xe máy. Trong đó, cần quy định rõ, những phương tiện đã sử dụng từ 5 năm trở lên phải nộp thuế, và cứ sau 1 năm thuế này lại tăng lên.

Cùng quan điểm trên, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực giao thông khi đươc hỏi đều cho rằng, ngoài các biện pháp kể trên, các cơ quan chức năng cần có những biện pháp ưu tiên, khuyến khích sử dụng các loại phương tiện sử dụng nghiên liệu thân thiện với môi trường như xe điện, xe khí đốt hóa lỏng, khí thiên nhiên hóa lỏng… để từng bước thay thế các nguyên liệu truyền thống. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển các loại phương tiện này để thu hút người dân sử dụng, từng bước hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, đảm bảo cuộc sống của người dân theo các mục tiêu đã đề ra.

Ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây nên khoảng 3,8 triệu ca tử vong sớm hàng năm. Trong đó, có 20% số ca tử vong là do các bệnh về đường hô hấp và ung thư liên quan đến phơi nhiễm với bụi mịn. Cùng với với đó là hàng loạt các vấn đề về tiểu đường, tim mạch, phổi, gan, đột quỵ, rối loạn tiết tố…

PGS.TS Nguyễn Văn Sơn – Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường

Hoạt động hỗ trợ chuyển đổi xe máy cũ thải bỏ được thực hiện nếu người dân đáp ứng đủ những điều kiện sau: Thứ nhất: Xe máy chính chủ, chủ phương tiện có hộ khẩu ở Hà Nội. Thứ hai: Xe máy thuộc các hãng Honda, Yamaha, Suzuki, Piaggio, SYM, đăng ký lần đầu trước năm 2002 tại Hà Nội, có đầy đủ các bộ phận: khung xe, động cơ, bình nhiên liệu, tay nắm, bánh xe, giảm xóc, ống xả. Thứ ba: Xe máy hoàn tất thủ tục thu hồi đăng ký xe, biển số xe với cơ quan đăng ký (có giấy chứng nhận thu hồi đăng ký xe, biển số xe được cấp bởi cơ quan đăng ký).

Vân Nhi - Kinh tế & Đô thị