Nỗ lực ngăn chặn thảm họa của tương lai
Chỉ còn 1 tuần nữa, Hội nghị của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) sẽ diễn ra tại Anh (dự kiến từ 31-10 đến 12-11-2021). Trong bối cảnh những hậu quả từ tình trạng nóng lên của trái đất có dấu hiệu ngày càng trầm trọng, nhiều nước đã đưa ra những hành động thiết thực, thể hiện quyết tâm sẽ đạt được các mục tiêu chính mà hội nghị đề ra. Đây sẽ là bước tiến quan trọng để các quốc gia nỗ lực ngăn chặn thảm họa lớn nhất đối với tương lai toàn cầu.
Khí thải carbon là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng nóng lên của trái đất.
Theo một báo cáo của Liên hợp quốc, nhiệt độ trái đất đã tăng 1,2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (1850-1870). Khi nhiệt độ trái đất tăng 1,5 độ C, gần một tỷ người sẽ phải thường xuyên đối mặt với những đợt nắng nóng nghiêm trọng; hàng trăm triệu người rơi vào cảnh thiếu nước ngọt do hạn hán; nhiều loài sinh vật sẽ tuyệt chủng. Nếu tăng 2 độ C, các quốc đảo nhỏ và một số quốc gia ven biển có thể sẽ biến mất do nước biển dâng. Điều này có thể khiến tình trạng biến đổi khí hậu đạt đến mức độ “không thể đảo ngược”.
Trước những con số đáng báo động này, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phải lên tiếng cảnh báo, COP26 là cơ hội cuối cùng cho các nhà lãnh đạo kiểm soát tình trạng biến đổi khí hậu đang tàn phá thế giới. Thời gian đang trở nên gấp rút và hội nghị không được phép thất bại.
Trên thực tế, trong thời gian gần đây, nhiều quốc gia đã chủ động đưa ra kế hoạch cắt giảm lượng khí thải carbon và tập trung phát triển kinh tế xanh, hướng tới sự bền vững. Mới nhất là Saudi Arabia, ngày 23-10, Thái tử nước này Mohammed bin Salman đã tuyên bố mục tiêu không phát thải carbon vào năm 2060. Trước đó, Mỹ đã thông báo mục tiêu đến năm 2030 giảm phát khí thải gây hiệu ứng nhà kính mới 50-52% so với mức năm 2005. Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra kế hoạch giảm 55% lượng khí thải trong vòng 9 năm tới.
Thông báo của nước chủ nhà Anh cho biết, chương trình nghị sự của COP26 (từ ngày 31-10 đến 12-11) là nhằm bảo đảm thỏa thuận mà 195 quốc gia đã ký kết năm 2015 tại COP21 được tổ chức tại Paris (Pháp) với nội dung hạn chế mức tăng nhiệt độ trái đất không quá 2 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp và sẽ cố gắng đưa con số này về mức 1,5 độ C. Ngoài ra, các nhà lãnh đạo cũng tập trung thảo luận biện pháp đưa khí thải carbon về 0 vào năm 2050; thích ứng để bảo vệ cộng đồng và môi trường sống; huy động tài chính; hợp tác để mang lại thành công cho COP26 vì con người và hành tinh.
Theo nhiều nhà khoa học, để cắt giảm mạnh mẽ khí thải nhà kính, trước hết cần ngăn chặn nạn phá rừng và thực hiện tái trồng rừng vì nếu tình trạng phá rừng chấm dứt, đến năm 2030 có thể loại bỏ 3,6 gigatonnes CO2 hằng năm. Thứ hai, các quốc gia phải nghiêm túc thực hiện lộ trình cắt giảm 50% khí phát thải vào năm 2030 thông qua việc đẩy nhanh kế hoạch loại bỏ sản xuất điện than. Các nước cũng cần đạt được thỏa thuận cấm bán các loại xe hạng nhẹ động cơ đốt trong vào năm 2035, kết hợp hạn chế sử dụng những loại xe này, hướng tới 20% số ô tô chạy trên đường dùng động cơ chạy điện. Ngoài ra, các phương tiện giao thông hạng nặng, công nghiệp nặng và các tòa nhà cần được khử carbon nhanh hơn cũng như cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng.
Dự kiến đại diện của khoảng 200 quốc gia sẽ tham dự COP26. Hiện dư luận đặt nhiều kỳ vọng các nhà lãnh đạo thế giới sẽ phát huy hiệu quả vai trò của mình trong cơ hội cuối cùng nhằm bảo đảm tương lai ổn định cho thế giới. Đúng như Chủ tịch COP26 Alok Sharma đã nói: “Đây là cơ hội tốt nhất để chúng ta xây dựng một tương lai tươi sáng hơn, với không khí trong lành hơn và những việc làm thân thiện với môi trường hơn”.
Quỳnh Dương - Hà Nội mới