HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

Hà Nội: Kiểm tra việc đốt rơm rạ gây ô nhiễm không khí


(HNMO) - Từ ngày 11 đến 17-6, tổ công tác liên ngành bao gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ​​​​​​(NN&PTNT) và Công an thành phố Hà Nội kiểm tra tình hình xử lý rơm rạ sau thu hoạch tại 19 quận, huyện, thị xã còn sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

Tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch tại xã Hiệp Thuận (huyện Phúc Thọ) vẫn diễn ra.

Theo đó, tổ công tác liên ngành sẽ nắm tình hình hiện trạng, khó khăn, vướng mắc của các địa phương và đề xuất giải pháp xử lý.

Những năm gần đây, thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp nhằm hạn chế, tiến tới đẩy lùi tình trạng đốt rơm rạ vào cuối năm 2020. Thực hiện mục tiêu trên, nhiều địa phương đã tích cực tuyên truyền để người dân ký cam kết không đốt rơm rạ, sử dụng chế phẩm xử lý rơm rạ sau thu hoạch, xây dựng mô hình trồng nấm rơm... Tuy nhiên, tình trạng đốt rơm rạ vẫn xảy ra, gây ô nhiễm không khí, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân.

Trong ngày 11-6, tổ công tác liên ngành kiểm tra thực tế tại các huyện: Đan Phượng, Phúc Thọ, Ba Vì và thị xã Sơn Tây. Báo cáo của các địa phương này đều cho thấy, tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng, gây ô nhiễm môi trường không khí vẫn diễn ra trong vụ thu hoạch lúa xuân 2020. 

Qua rà soát, thống kê, hiện huyện Đan Phượng có khoảng 10% lượng rơm rạ sau thu hoạch bị người dân đốt ngay trên ruộng; huyện Phúc Thọ còn khoảng 20%; thị xã Sơn Tây khoảng 10%. Riêng huyện Ba Vì, do áp dụng các biện pháp xử lý rơm rạ sau thu hoạch khá hiệu quả nên tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng giảm mạnh, còn khoảng 5%.

Qua kiểm tra thực tế, tổ công tác liên ngành cho rằng, tình trạng đốt rơm rạ tại các địa phương tuy có giảm nhưng chưa bền vững. Nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận nhân dân còn hạn chế; thiếu chế tài xử lý đối với người đốt rơm; chính quyền một số địa phương chưa chủ động vào cuộc...

Để cải thiện tình trạng đốt rơm rạ sau thu hoạch, tổ công tác liên ngành đề nghị các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ; tổ chức ký cam kết tới từng hộ sản xuất lúa; hỗ trợ người dân xử lý rơm rạ sau thu hoạch, như: Kết nối với doanh nghiệp trong thu mua rơm rạ làm thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm phân bón...