Mỹ công bố 23 loài động, thực vật bị tuyệt chủng


Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ đã tuyên bố 23 loài động vật chính thức bị tuyệt chủng, trong đó có chim gõ kiến ​​mỏ ngà không được nhìn thấy từ năm 1944.

Các nhà khoa học của Chính phủ Mỹ trước đó đã nỗ lực hết sức để tìm kiếm 23 loài chim, cá và các loài động, thực vật khác nằm trong danh sách được công bố, đồng thời cảnh báo rằng, biến đổi khí hậu và môi trường sống bị thu hẹp do nhiều áp lực khác nhau có thể khiến tình trạng tuyệt chủng này trở nên ngày càng phổ biến hơn.

Bà Deb Haaland, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Mỹ, cho biết: "Biến đổi khí hậu và thực trạng mất diện tích tự nhiên đang đẩy ngày càng nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng. Bây giờ là lúc để nâng cao các nỗ lực chủ động, hợp tác và đổi mới để cứu các loài động vật hoang dã của Mỹ".

Mỹ công bố 23 loài động, thực vật bị tuyệt chủng - Ảnh 1.

Chim chích chòe than Bachman đã không được nhìn thấy kể từ năm 1962 ở Mỹ. (Ảnh: AP)

Theo bà Bridget Fahey, người giám sát việc phân loài cho Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ, mỗi loài trong số 23 loài thuộc danh sách đã đại diện cho các di sản thiên nhiên bị mất đi vĩnh viễn của Mỹ: "Và đây là một lời nhắc nhở nghiêm túc rằng, tuyệt chủng là hậu quả của sự thay đổi môi trường do con người gây ra".

Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ cho biết, các loài bị tuyệt chủng gồm 11 loài chim, 8 loài trai nước ngọt, 2 loài cá, 1 loài dơi và 1 loài thực vật.

Chim gõ kiến ​​mỏ ngà là loài chim gõ kiến ​​lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, tình trạng khai thác rừng già ở miền Nam nước này đã phá hủy môi trường sống của chúng. Lần nhìn thấy chim gõ kiến ​​mỏ ngà cuối cùng được xác nhận là vào năm 1944 ở khu vực Đông Bắc bang Louisiana.

Mỹ công bố 23 loài động, thực vật bị tuyệt chủng - Ảnh 2.

Vỏ của loài trai hoa mai có củ. (Ảnh: AP)

Nằm trong danh sách này còn có chim chích chòe than Bachman, được coi là một trong những loài chim biết hót hiếm nhất của Mỹ. Loài chim này đã không được nhìn thấy kể từ năm 1962 ở Mỹ.

Brian Hires, phát ngôn viên của Cục Hoang dã và Cá Hoa Kỳ, cho biết, cơ quan bảo vệ động vật hoang dã sẽ thu thập phản hồi của người dân trong vòng 60 ngày và phán quyết cuối cùng sẽ được công bố vào ngày 29/12.

Ông Brian Hires nói: "Những quyết định này được đưa ra dựa trên nền tảng khoa học tốt nhất hiện nay".

Quỳnh Chi (Theo JPost) - VTV News