HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

Gần 50% người trẻ toàn cầu lo ngại biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến cuộc sống


Khoảng 45% trong số 10.000 thanh niên tham gia khảo sát tại 10 quốc gia bày tỏ lo ngại tác động từ biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của họ.

CNBC đưa tin, một nghiên cứu mới nhất cho thấy rất nhiều người trẻ tuổi đang phải chịu "tổn thương tâm lý nghiêm trọng" do hậu quả từ biến đổi khí hậu gây ra và sự thờ ơ từ các chính phủ trong nỗ lực ngăn chặn cuộc khủng hoảng này.

 

Gần 50% người trẻ toàn cầu lo ngại biến đổi khí hậu ảnh hưởng  đến cuộc sống. Ảnh: CNBC

Kết quả cuộc nghiên cứu quốc tế được công bố ngày 14/9 cho thấy khoảng 45% trong số 10.000 thanh niên tham gia khảo sát tại 10 quốc gia nói rằng những lo ngại về cuộc khủng hoảng khí hậu đang ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống hàng ngày của họ.

Theo kết quả cuộc khảo sát này, khoảng ¾ số người được hỏi ở độ tuổi từ 16-25 cảm thấy “tương lai thật đáng sợ” do vấn đề biến đổi khí hậu, trong khi 64% thanh niên cho rằng các chính phủ chưa có những hành động thiết thực để ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu.

Trên thực tế, gần 2/3 thanh niên cảm thấy thất vọng với chính phủ trong nỗ lực giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu, và 61% nói rằng các chính phủ không bảo vệ họ, các thế hệ tương lai  cũng như hành tinh.

Báo cáo do các học giả tại Đại học Bath của Vương quốc Anh và Trung tâm Đổi mới Sức khỏe Toàn cầu Stanford thực hiện, được xem là chương trình nghiên cứu quy mô lớn đầu tiên về ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với giới trẻ toàn cầu.

Các chuyên gia này cảnh báo: “Những tổn thương tâm lý của giới trẻ liên quan đến vấn đề biến đổi khí hậu chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh niên”.

Họ lưu ý thêm rằng mặc dù những lo lắng về cuộc khủng hoảng khí hậu có thể không phải là một bệnh tâm lý, nhưng "những hậu quả do biến đổi khí hậu gây ra cùng với tâm lý thất vọng lâu dài có thể khiến giới trẻ dễ bị stress”.

Caroline Hickman, một nhà nghiên cứu từ Liên minh Tâm lý Khí hậu Đại học Bath và là đồng tác giả của nghiên cứu, nói rằng sự lo lắng ở trẻ em và thanh niên là một “phản ứng hoàn toàn hợp lý trước việc thiếu các hành động thiết thực của các chính phủ đối với vấn đề biến đổi khí hậu”.

Cũng bày tỏ lo ngại tương tự, Liz Marks, một giảng viên cao cấp từ Đại học Bath và cũng là đồng tác giả của nghiên cứu, nói rằng “rất sốc khi biết rất nhiều người trẻ trên khắp thế giới cảm thấy quá thất vọng với những nỗ lực của chính phủ trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”. "Bây giờ chính là thời điểm chính phủ các nước nên đối mặt với sự thật, lắng nghe những người trẻ và hành động khẩn cấp để giảm thiểu tác động từ biến đổi khí hậu” - bà Marks cho biết.

Trong khi đó, dữ liệu được Công ty nghiên cứu thị trường Ipsos Mori (Anh) công bố cuối tháng 8 vừa qua cho thấy sự quan tâm của người dân về vấn đề biến đổi khí hậu và ô nhiễm cũng tăng kỷ lục. Theo kết quả dựa vào một nghiên cứu với hơn 1.000 người trưởng thành ở Vương quốc Anh, khoảng 38% số người trên 55 tuổi bày tỏ sự lo ngại về ô nhiễm môi trường.

Theo Tổ chức Khí tượng Thế giới, nếu như các nước không có hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn để thực hiện tốt mục tiêu ngăn biến đổi khí hậu, trong vòng 30 năm tới, thế giới sẽ phải chấp nhận làm quen với tình trạng thảm họa tự nhiên ngày càng dày đặc và khắc nghiệt, thậm chí vượt quá mức kiểm soát và ứng phó của con người.

Người dân sống ở các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, từ mất an ninh lương thực gia tăng cho đến hạn hán ngày càng nghiêm trọng và thường xuyên. Số người sống ở các khu vực khan hiếm nước nghiêm trọng dự kiến sẽ tăng từ 42% đến 95%, tương đương 2,7 đến 3,2 tỷ người. Người dân ở châu Phi, Trung Đông và Nam Á sẽ phải đối mặt với việc giảm lượng nước cung cấp nhiều nhất.

Nguyễn Phương - Kinh tế & Đô thị