Doanh nghiệp Việt nỗ lực vì môi trường bền vững, phát triển xanh


Kinh tế tuần hoàn là xu hướng của các quốc gia, Việt Nam cũng không nằm ngoại lệ. Ưu tiên phát triển năng lượng nhanh và bền vững, trong đó có năng lượng tái tạo đi trước một bước, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, mục đích cao nhất là bảo vệ cuộc sống con người... đang được cộng đồng DN Việt Nam đầu tư thực hiện nhằm mục tiêu sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Bù đắp sự thiếu hụt

Theo các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, kinh tế tuần hoàn là quá trình sản xuất khép kín nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, tránh phát thải nhà kính... đặc biệt là đối với các quốc gia ít tài nguyên, hoặc nguồn tài nguyên đang ngày càng cạn kiệt.

Thực tế cho thấy, Việt Nam đang phải đối mặt với lượng chất thải phát sinh ngày càng lớn trong khi nguồn nguyên liệu thô, nguyên liệu hoá thạch ngày càng cạn kiệt. Đơn cử, với hơn 3.200km bờ biển và tốc độ gió ổn định ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là có điều kiện tốt nhất để phát triển điện gió ngoài khơi ở châu Á.

Theo Ngân hàng Thế giới, ước tính tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam là khoảng gần 500GW đang chưa khai thác hết, hay với địa lý tự nhiên việc phát triển điện mặt trời... sẽ bù đắp sự thiếu hụt về nhu cầu điện năng ngày càng tăng nhanh của Việt Nam.

  Nhà máy điện mặt trời Phước Ninh của T&T Group chính thức hòa lưới điện quốc gia vào tối ngày 10/6/2020. Ảnh: Hoàng Anh

Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) Nguyễn Quang Vinh khẳng định, kinh tế tuần hoàn là mô hình mới, nhưng rất hữu hiệu và phù hợp với tất cả các nền kinh tế, trong đó ý thức bảo vệ môi trường đi liền với hành động thiết thực để bảo vệ môi trường trong quá trình tăng trưởng nhanh, bền vững của hoạt động kinh tế... Đồng quan điểm, các DN có chung nhìn nhận, để góp phần phòng chống biến đổi khí hậu nên chủ động thực hiện kinh tế tuần hoàn, từ đó tham gia bảo vệ môi trường và duy trì phát triển bền vững. T&T Goup, Tập đoàn Sơn Hà... suốt thời gian qua đều tập trung chiến lược, đón đầu phát triển sản xuất, kinh doanh gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến mục tiêu bền vững trong lĩnh vực điện gió, điện khí, điện mặt trời, xe điện... để tái tạo năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu tạo ra sản phẩm đa dạng, cạnh tranh phục vụ người tiêu dùng.

Cú bắt tay lớn vì môi trường

Dẫn chứng cụ thể từng dự án sẽ khó, nhưng nhìn vào cả chặng đường “đau đáu” ở T&T Group sẽ thấy được sự quyết tâm đầu tư vào lĩnh vực bền vững vì môi trường. Mới nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại EU và Vương quốc Bỉ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, T&T Group đã ký kết biên bản ghi nhớ (MoU) với Tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới Ørsted để hợp tác chiến lược trong lĩnh vực điện gió ngoài khơi tại Việt Nam. Tổng công suất lắp đặt ước tính gần 10GW và tổng giá trị đầu tư khoảng 30 tỷ USD nhằm góp phần đáp ứng nhu cầu điện đang tăng nhanh, có thể cạnh tranh sòng phẳng với các nhà máy nhiệt điện chạy bằng than và khí đốt.

Với sự chứng kiến của Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn T&T Group Nguyễn Thị Thanh Bình và Tổng Giám đốc phụ trách Thương mại, Phó Chủ tịch Tập đoàn Ørsted Martin Neubert ký kết biên bản. Ảnh: Hoàng Anh

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc T&T Group Đỗ Quang Hiển chia sẻ, từ 10 năm trước, tập đoàn đã bắt tay vào nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo để sẵn sàng đón đầu cơ hội. Riêng trong năm 2020, T&T Group đã đưa vào vận hành 4 nhà máy điện mặt trời với tổng công suất 245MWp.

“Trong năm 2021, T&T Group dự kiến đưa vào vận hành 5 nhà máy điện gió tại các địa phương giàu tiềm năng trong cả nước với tổng công suất 530MW. Theo kế hoạch, 10 năm tới, năng lực cung cấp điện của T&T Group (LNG và năng lượng tái tạo) dự kiến sẽ đạt khoảng 10.000 – 11.000MW, chiếm khoảng 8% tổng công suất lắp đặt các nguồn điện của hệ thống điện Việt Nam” – ông Đỗ Quang Hiển nói.

 Năm 2020 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của các dự án điện mặt trời tại Việt Nam (công nhân Tập đoàn Sơn Hà đang thi công lắp điện mặt trời). Ảnh Khắc Kiên

Để thực hiện, T&T Group đã "bắt tay" hợp tác với nhiều đối tác ngoại uy tín, ví như với Tập đoàn JAKS Resources Berhad (Malaysia) nhằm thực hiện dự án Nhà máy Điện khí Quảng Ninh 2 tại tỉnh Quảng Ninh, có công suất 1.500MW với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 1,5 tỷ USD (tương đương 35.000 tỷ đồng); hợp tác sản xuất và chuyển giao công nghệ sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời thế hệ mới với Tập đoàn Solar Finland (Phần Lan); hợp tác vớii Smart Universal Logistics N.V (SUL – Bỉ) nhằm phát triển các nhà máy khử mặn bằng năng lượng gió để sản xuất nước ngọt cho nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản tại Việt Nam...   

Tạo làn sóng phát triển xanh

Các chuyên gia nhận định, phát triển kinh tế tuần hoàn sẽ tránh lệ thuộc vào nền kinh tế bên ngoài, nhất là về nguyên liệu và nhiên liệu phục vụ sản xuất... Mỗi DN cần tìm hiểu, từng bước tự giác thực hiện kinh tế tuần hoàn và đó là hành động thực tế nhằm hạn chế tối đa tình trạng ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, nâng cao tính nhân văn... Tập đoàn Sơn Hà là một ví dụ điển hình. Theo đó, tập đoàn này xác định ưu tiên sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo phù hợp với xu hướng của thế giới. Đồng thời cung cấp các sản phẩm năng lượng xanh, năng lượng tái tạo, trong đó một chiến lược quan trọng trong kế hoạch kinh doanh là sản phẩm điện áp mái Free Solar hướng đến từng ngày phủ xanh mái nhà Việt.

Hợp tác với tập đoàn năng lượng bền vững hàng đầu thế giới, T&T Group sẽ đẩy mạnh phát triển điện gió ngoài khơi tại Việt Nam trong thời gian tới. Anh: Hoàng Anh

Chủ tịch HĐQT Lê Vĩnh Sơn cho rằng, thông qua sự đầu tư mạnh mẽ của DN vào ngành năng lượng tái tạo nói chung, điện mặt trời áp mái nói riêng trong thời gian tới sẽ làm giảm sức ép lên lưới điện, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, cung cấp thêm những lựa chọn tối ưu về điện năng cho người sử dụng. Cùng đó, phát triển các sản phẩm và dịch vụ xanh, thân thiện với môi trường...

Ghi nhận những nỗ lực tham gia thực hiện kinh tế tuần hoàn của các DN, Tổng Thư ký VCCI, Phó Chủ tịch điều hành VBCSD Nguyễn Quang Vinh cũng cho biết, Chính phủ, các cơ quan ban ngành thời gian qua đã có những quyết sách sách hợp lý và kịp thời, giúp DN chủ động phát triển năng lượng theo hướng ổn định nhất, mang lại lợi ích hài hòa giữa các bên. Qua đó, góp phần thúc đẩy, hỗ trợ việc hình thành và phát triển cơ sở hạ tầng, chuỗi cung ứng, khung pháp lý hiệu quả cho năng lượng tái tạo như điện gió ngoài khơi, điện mặt trời... tại Việt Nam.

"Tuy nhiên, tôi cho rằng, mỗi DN cần tiếp tục phát huy nội lực của chính mình, thay đổi kế hoạch, cũng như chiến lược để đảm bảo phát triển bền vững, thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch hiệu quả, đảm bảo sức khỏe, sự an toàn của nhân viên và khách hàng của mình. Đồng thời duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh"- Nguyễn Quang Vinh nói. 

Theo dự báo, điện năng lượng mặt trời có thể thay thế các hình thức sản xuất điện khác từ nhiệt điện, thủy điện để làm thay đổi hệ sinh thái trong tương lai. Với nhiều lợi ích mang lại, Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới đã ngày càng quan tâm và đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng tái tạo thân thiện với môi trường.

Khắc Kiên - Kinh tế & Đô thị