HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu


Quan điểm này được Bộ Ngoại giao Việt Nam nhấn mạnh trong khuôn khổ cuộc họp báo thường kỳ chiều 19-8 tại Hà Nội.

Trả lời đề nghị về phản ứng của Việt Nam trước Báo cáo khoa học về tình trạng khí hậu năm 2021 của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố ngày 9-8, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết: “Biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, gây tác động tiêu cực trên toàn thế giới. Việt Nam kêu gọi cộng đồng quốc tế cần khẩn trương tăng cường hợp tác để chung tay ứng phó với thách thức này. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các tác động của biến đổi khí hậu, Việt Nam quyết tâm và cam kết mạnh mẽ ứng phó với biến đổi khí hậu, trong đó có chủ động thích ứng và giảm phát thải khí nhà kính, phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam”.

Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định, báo cáo khoa học về tình trạng khí hậu năm 2021 của IPCC là cơ sở khoa học quan trọng để các quốc gia xây dựng và cập nhật chính sách, kịch bản liên quan đến biến đổi khí hậu. Báo cáo cũng cung cấp thông tin đầu vào để các nước tham khảo trong quá trình tiến hành các cuộc đàm phán quốc tế về biến đổi khí hậu. Hiện, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực nghiên cứu các nội dung trong báo cáo này để xem xét, cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu và đưa vào chiến lược quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong giai đoạn tới.

Trước đó, ngày 9-8, báo cáo của IPCC đã được 195 chính phủ chấp thuận trong khuôn khổ phiên họp thứ 54 của cơ quan này. Theo các nhà khoa học, những hiện tượng thời tiết nguy hiểm từ lở đất ở Ấn Độ, nắng nóng khắc nghiệt và hỏa hoạn ở Bắc Mỹ, lũ lụt ở châu Âu và Trung Quốc... trong những tháng gần đây chỉ là màn dạo đầu về những gì sẽ xảy ra nếu Trái đất tiếp tục nóng dần lên. Những sự kiện này cũng cho thấy các nước chưa chuẩn bị kịp với tốc độ tác động của biến đổi khí hậu.

Báo cáo nhận định, khi khí hậu đã biến đổi, thiên tai sẽ gia tăng về cường độ và tần suất, trừ khi thế giới nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải, chủ yếu là khí carbon (CO2). Báo cáo khuyến nghị, lượng khí thải carbon cần nhanh chóng giảm xuống trong thập kỷ này và phải giảm xuống mức bù trừ bằng không vào năm 2050 để thế giới có cơ hội tốt nhất giới hạn nhiệt độ ở mức 1,5°C (so với thời kỳ tiền công nghiệp 1850-1900) vào cuối thế kỷ này. Báo cáo nhấn mạnh, cơ hội đạt được mục tiêu này "đang khép lại cực kỳ nhanh chóng".

Hoàng Linh - Hà Nội mới