HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

Thiên tai và COVID-19: Cần chuẩn bị gì để ứng phó?


Thiên tai kinh hoàng - tác nhân mới khiến dịch bệnh COVID-19 lây lan phức tạp. Cùng lúc, vừa chống dịch, vừa ứng phó với thiên tai. Chúng ta cần phải chuẩn bị những gì?

Thiên tai vốn đã là nguyên nhân trực tiếp cướp đi sinh mạng của nhiều người mỗi năm. Nhưng trong thời điểm hiện nay, thiên tai còn góp phần làm tăng tỷ lệ lây lan và tử vong do COVID-19.

Các số liệu đáng báo động về hệ quả thiên tai đối với dịch COVID-19

Theo thống kê, tại Mỹ, nghiên cứu mới của Trường Y tế Công cộng Harvard đã chứng minh rằng khói từ các đám cháy rừng lớn ở phía Tây nước này đã làm tăng tỷ lệ mắc COVID-19 lên gần 20% ở một số hạt nhất định của tại các bang California, Washington, và Oregon. Tại một số nơi, thì ô nhiễm không khí đã góp phần: vào hơn một nửa số ca tử vong vì COVID-19. Các nhà khoa học cho rằng, chất ô nhiễm thải ra có thể làm lây lan virus, đồng thời, làm suy yếu phổi của con người, tăng khả năng người nhiễm virus bị bệnh nặng, hoặc tử vong. Ngoài ra, theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, nguy cơ lây lan dịch bệnh cũng gia tăng khi số lượng lớn người dân phải sơ tán đến những nơi trú ẩn tập trung, do thiên tai.

Thiên tai và COVID-19: Cần chuẩn bị gì để ứng phó? - Ảnh 1.

Cháy rừng tại Mỹ (Ảnh: Reuters)

Các kịch bản thiên tai làm lây lan COVID-19

Cứ sau khi một thiên tai xảy ra, truyền thông địa phương và giới chức y tế lại đau đầu trước những nguy cơ dịch bệnh bùng phát, đặc biệt là hiện nay, khi biến thể Delta của virus Sars-CoV-2 đang hoàng hành. Các kịch bản thiên tai làm lây lan COVID-19 bao gồm có: nguy cơ lây lan COVID-19 khi di tản dân cư, hệ thống y tế yếu kém sau thiên tai và nguy cơ lây lan COVID-19 khi tái thiết sau thiên tai.

Khi thiên tai xảy ra, việc di tản dân cư có thể là cách thức gia tăng nguy cơ lây lan dịch COVID-19. Nguyên nhân là vì những địa điểm sơ tán thường là trường học, nơi sinh hoạt cộng đồng. Việc tập trung đông người tại các địa điểm thiếu cơ sở vật chất trong phòng chống COVID-19 tạo ra nguy cơ hiện hữu. Trong khi đó, hiện biến thể Delta đang có tốc độ lây lan nhanh hơn phiên bản virus gốc của nó tới 225%, tức là chỉ mất vài giây để một người bị nhiễm COVID-19 khi một người lạ đi ngang qua họ.

Thiên tai và COVID-19: Cần chuẩn bị gì để ứng phó? - Ảnh 2.

Khu sơ tán dân cư do thiên tai tại Philippines (Ảnh: Global Times)

Số người thiệt mạng trong vụ động đất ở Haiiti hôm thứ 7 tuần trước, liên tục tăng, hiện lên tới hơn 1.400 người. Số người bị thương là ít nhất 6.900 người, đẩy các bệnh viện rơi vào tình trạng quá tải. Những người bị thương bao gồm cả trẻ em và người cao tuổi. Họ phải nằm điều trị trong cả các khu lán trại dựng tạm bên ngoài các bệnh viện. Các bác sĩ đang phải làm nhiệm vụ cứu người trong điều kiện hết sức thiếu thốn. Nhiều bệnh viện thông báo thiếu thuốc kháng sinh và thuốc gây mê. Hệ thống y tế vốn đã yếu kém của Haiti, giờ phải chịu cả hệ quả của động đất là một phần nguyên nhân dịch COVID-19 được dự báo sẽ bùng phát mạnh tại nước này.

Thiên tai và COVID-19: Cần chuẩn bị gì để ứng phó? - Ảnh 3.

Bệnh viện tại Haiti thiếu thốn cơ sở vật chất sau khi thảm họa động đất (Ảnh: Reuters)

Thậm chí, kể cả sau khi thiên tai đã xảy ra, người dân quay lại nhà và bắt đầu thực hiện tái thiết, nguy cơ dịch bệnh vẫn hiện hữu. Tại Đức, sau trận lụt lịch sử, quá trình người dân tái thiết được đánh giá là nguyên nhân gây lây lan COVID-19.

"Mọi thứ đã bị phá hủy trong nước lũ, nhưng virus thì không. Do mọi người phải cùng nhau khắc phục hậu quả của lũ lụt, không thể tuân thủ bất kỳ quy tắc phòng dịch nào", Ông Olav Kullak, Giám đốc Điều phối vắc xin tại Vùng Ahrweiler, Đức nhận định.

Thiên tai và COVID-19: Cần chuẩn bị gì để ứng phó? - Ảnh 4.

Ông Olav Kullak, Giám đốc Điều phối vắc xin tại Vùng Ahrweiler chia sẻ về công tác tiêm chủng (Ảnh: Reuters)

Bài học ứng phó dịch bệnh COVID-19 và thiên tai

Thiên tai cũng dịch bệnh COVID-19 có thể xảy đến với mọi quốc gia, không phân biệt giàu nghèo. Sau mỗi lần thiên tai xảy ra, chúng ta đều có những bài học kinh nghiệm để làm dày thêm các phương án ứng phó với dịch bệnh và thiên tai. Đức, Indonesia và Trung Quốc đã có những bài học trong kiểm soát dịch COVID-19 khi xảy ra thiên tai.

Tại Đức, việc tăng cường tiêm chủng được coi là quan trọng hàng đầu trong kiểm soát tình hình dịch COVID-19, khiến cho nó không bùng phát. Các xe tiêm chủng lưu động đã lập tức được chính quyền địa phương triển khai. Do lũ lụt đã cuốn trôi nhiều tài sản, trong đó có cả các giấy tờ, thông tin cá nhân của người dân liên quan tới tiêm chủng, các nhân viên y tế cũng linh động hơn trong triển khai tiêm chủng.

Thiên tai và COVID-19: Cần chuẩn bị gì để ứng phó? - Ảnh 5.

Xe buýt tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho người dân tại vùng Ahrweiler, Đức (Ảnh: Reuters)

"Điều tốt nhất mà chúng tôi có thể làm được lúc này là tăng cường tiêm chủng cho người dân tại các vùng bị lũ lụt. Chúng tôi đã mang rất nhiều vắc xin trong các tủ trữ lạnh ở đây, để tiêm cho người dân, bảo vệ họ trước virus", Ông Olav Kullak, Giám đốc Điều phối vắc xin tại vùng Ahrweiler, Đức cho biết.

Nhờ vậy mà những người dân như ông Silke Pantenburg, được bảo vệ trước COVID-19.

"Tôi đã không thể tới điểm tiêm chủng mà tôi đã tiêm mũi 1,do cơn lũ đã cuốn hết giấy tờ cá nhân của tôi. Nhưng thật sự rất may mắn, khi mà họ đã đem xe tiêm chủng lưu động tới đây. Vậy là tôi đã có thể tiêm mũi 2 và hoàn thành tiêm chủng rồi. Mọi thứ xung quanh còn đang hỗn độn sau trận lũ, nhưng thật cảm ơn sự giúp đỡ này", Ông Silke Pantenburg, người dân vùng Ahrweiler, Đức.

Thiên tai và COVID-19: Cần chuẩn bị gì để ứng phó? - Ảnh 6.

Ông Silke Pantenburg, người dân vùng Ahrweiler, Đức sau khi tiêm chủng (Ảnh: Reuters)

Còn tại Indonesia, đầu tháng 8 này, mưa lớn đã dẫn tới lũ lụt tại tỉnh Aceh, lúc này, các bệnh viện đều được đưa vào tình trạng báo động. Để đảm bảo việc khám chữa bệnh cho bệnh nhân, các bệnh viện đã có phương án chuẩn bị. Các bệnh án đều đã được chuyển tới những nơi an toàn. Hệ thống máy bơm được chuẩn bị để thoát nước ra khỏi bệnh viện. Ngoài ra, các bác sĩ và y tá cũng nhanh chóng sơ tán các bệnh nhân trong khu vực có nguy cơ. Vào năm ngoái, tại khu vực này đã từng xảy ra ngập lụt tương tự, vì thế, các kế hoạch ứng phó đã được chuẩn bị. Mặc dù vậy, hiện Indonesia sắp vào mùa mưa lũ, vì thế, hệ thống y tế vẫn được các chuyên gia cảnh báo cần phải có sự chuẩn bị kỹ càng hơn, để tránh lây lan dịch bệnh COVID-19 khi thiên tai ập đến.

Tại thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam Trung Quốc đã ghi nhận cụm dịch mới với 27 ca mắc COVID-19 sau khi trải qua đợt lũ lụt nghiêm trọng hồi tháng 7. Lập tức, giới chức thành phố đã tiến hành chiến dịch xét nghiệm toàn bộ người dân, để truy vết dịch. Ngoài ra, Bí thư tỉnh Hà Nam của nước này cũng yêu cầu, không ai được rời tỉnh Hà Nam trừ trường hợp cần thiết, hủy bỏ các sự kiện đông người, tăng tốc tiêm chủng và công bố thông tin dịch bệnh cho cộng đồng một cách kịp thời, công khai và minh bạch.

Thiên tai và COVID-19: Cần chuẩn bị gì để ứng phó? - Ảnh 7.

Lũ lụt tại Trịnh Châu, Trung Quốc (Ảnh: CCTV)

Có thể nói, cách ứng phó tốt nhất để thiên tai không làm lây lan dịch bệnh đó là: chuẩn bị sẵn phương án, tăng tốc tiêm chủng, truy vết dịch, và đặc biệt là cần thực hiện các biện pháp khống chế dịch kịp thời.

Hướng dẫn ứng phó thiên tai và COVID-19 với người dân

Động đất, hạn hán, cháy rừng, dịch bệnh, lũ lụt - con người không thể ngăn chặn các mối nguy hiểm đến từ tự nhiên, nhưng nếu chúng ta không có sự chuẩn bị, các mối hiểm họa đó có thể biến thành thảm họa ngay trước mắt chúng ta. Quỹ nhi đồng quốc tế (UNICEF) đã đưa ra một bản hướng dẫn trong trường hợp có thiên tai trong bối cảnh COVID-19 trong hình dưới đây.

Thiên tai và COVID-19: Cần chuẩn bị gì để ứng phó? - Ảnh 8.

Hướng dẫn chuẩn bị ứng phó thiên tai và COVID-19 của UNICEF (Nguồn: UNICEF)

Nguyễn Hà - VTV News