Sớm loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong


Các quận, huyện, thị xã đã, đang triển khai nhiều giải pháp thực hiện Chỉ thị số 15/CT-UBND ngày 30-10-2019 của UBND thành phố Hà Nội về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố. Đến nay, số lượng bếp than tổ ong tại Hà Nội đã giảm hơn 98%, thành phố đặt mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong vào cuối năm nay.

Người dân tại phường Phúc Đồng (quận Long Biên) thay thế bếp than tổ ong bằng hệ thống bếp điện để phục vụ kinh doanh ăn uống. Ảnh: Thư Ngọc

Trước thời điểm Thủ đô thực hiện giãn cách xã hội, phóng viên Báo Hànộimới khảo sát thực tế tại chợ Thành Công và các tuyến phố: Nguyên Hồng, Vĩnh Phúc, Đội Cấn, Đê La Thành... của quận Ba Đình cho thấy, không còn hiện tượng người dân đun nấu bằng bếp than tổ ong. Bà Nguyễn Thị Điển bán hàng ăn sáng ở chợ Thành Công cho biết: "Sau khi được chính quyền tuyên truyền về tác hại của than tổ ong, chúng tôi đã chủ động chuyển sang dùng bếp gas để bảo đảm an toàn cho sức khỏe".

Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường quận Ba Đình Nguyễn Cương Quyết thông tin, quận đã tuyên truyền, vận động từng gia đình, hộ kinh doanh không sử dụng bếp than tổ ong, chuyển đổi sang loại bếp phù hợp. Bên cạnh đó, quận còn gắn việc xóa bếp than tổ ong vào bình xét thi đua gia đình văn hóa, tổ dân phố văn minh... Do vậy, tính đến hết quý II-2021, quận Ba Đình đã loại bỏ hoàn toàn 8.600 bếp than tổ ong.

Còn tại huyện Quốc Oai, đến nay, huyện đã vận động được 1.591/1.600 hộ kinh doanh bún, phở... chuyển sang sử dụng nồi hơi, bếp điện, bếp gas, đạt 99,44%. Hiện còn 9 hộ sử dụng bếp than tổ ong, huyện đã có kế hoạch hỗ trợ các hộ kinh phí mua bếp gas.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, đến hết tháng 7-2021, toàn thành phố đã giảm được 53.550 bếp than tổ ong, đạt 98,27% kế hoạch. Trong đó có 14 quận, huyện, thị xã đã xóa 100% bếp than tổ ong như: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ, Hoài Đức, Sơn Tây, Ba Vì, Phú Xuyên... Hiện còn gần 1.000 bếp, tập trung tại các địa phương: Bắc Từ Liêm (391 bếp), Hoàng Mai (201 bếp), Gia Lâm (65 bếp), Đông Anh (35 bếp)...

Chỉ thị số 15/CT-UBND đề ra mục tiêu đến ngày 31-12-2020 trên địa bàn thành phố không còn sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu phục vụ sinh hoạt nhưng vẫn chưa thực hiện được. Do vậy, cần có sự quyết tâm hơn nữa của chính quyền các cấp và sự vào cuộc tích cực của người dân.

Loại bỏ bếp than tổ ong góp phần giảm tác hại đến môi trường, sức khỏe của người dân Thủ đô.

Theo PGS.TS Hoàng Anh Lê (giảng viên Khoa Môi trường, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội), các cấp chính quyền thành phố Hà Nội cần chủ động rà soát, đẩy mạnh tuyên truyền, đề ra giải pháp thích hợp giúp người dân tự nguyện thay đổi; đồng thời, hỗ trợ kinh phí những hộ thuộc diện khó khăn thay thế bếp than tổ ong bằng bếp thân thiện môi trường, phù hợp điều kiện kinh tế của họ.

Đồng thuận với chủ trương của thành phố, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh Hoàng Anh Tuấn thông tin, huyện đã giao nhiệm vụ cho các xã, thị trấn tiếp tục vận động, tuyên truyền và kêu gọi nguồn xã hội hóa mua bếp từ, bếp gas... để đổi, tặng cho 35 hộ đang sử dụng bếp than trên địa bàn huyện.

Còn Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Phạm Quang Tuấn cho rằng, để xóa bỏ bếp than tổ ong cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động, hỗ trợ. Đặc biệt, thành phố cần có cơ chế hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho các cơ sở sản xuất than và bếp than tổ ong...

Để loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trong sinh hoạt của người dân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái khẳng định, Sở tiếp tục yêu cầu các quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 15/CT-UBND. Trong đó, đối với 14 quận, huyện, thị xã đã hoàn toàn loại bỏ được bếp than tổ ong, đề nghị tiếp tục giám sát, duy trì kết quả thực hiện, không để tái sử dụng bếp than tổ ong. Các địa phương còn tồn tại bếp than tổ ong, đề nghị đặt mục tiêu, tiến độ hoàn thành cụ thể, chậm nhất cuối năm 2021 không còn người dân sử dụng bếp than tổ ong trên địa bàn quản lý.

Hoàng Sơn - Hà Nội mới