Huyện Quốc Oai xử lý hàng loạt lò gạch thủ công
Báo Kinh tế & Đô thị số 145, ngày 25/6 có bài “Vì sao lò gạch thủ công ở Hòa Thạch vẫn… đỏ lửa?", phản ánh việc năm 2018 UBND TP chỉ đạo các địa phương phải xử lý dứt điểm lò gạch thủ công.
Nhiều huyện đã thực hiện theo chỉ đạo, tuy nhiên tại 7 xã, thị trấn của huyện Quốc Oai đến nay vẫn còn 11 lò gạch thủ công ngang nhiên hoạt động.
Sau khi đăng tải loạt bài phản ánh, phóng viên tiếp tục về các xã của huyện Quốc Oai khảo sát thực địa, cập nhật thông tin từ người dân và làm việc với phòng chuyên môn, nắm bắt tình hình. Qua đó nhận thấy, những ngày cuối tháng 6 vừa qua, lãnh đạo UBND huyện đã có nhiều cuộc họp với các phòng chuyên môn như Kinh tế, Quản lý đô thị, Tài nguyên môi trường để thống nhất hướng xử lý lò gạch thủ công. Theo tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo huyện Quốc Oai, từ nay đến hết tháng 9/2021 sẽ xử lý dứt điểm 6 lò gạch thủ công tại xã Hòa Thạch và Phú Cát.
Hàng loạt lò gạch thủ công trên địa bàn xã Hòa Thạch vẫn ngang nhiên hoạt động. Ảnh: Công Tâm |
Có mặt tại xứ đồng Tháng Mười thôn Hòa Trúc, xã Hòa Thạch, nơi có 3 lò gạch công suất lớn đang “tọa lạc” trên khu đất nông nghiệp rộng 5ha. Liền kề còn có 3 lò gạch thủ công khác nằm trên 3ha đất nông nghiệp của xã Phú Cát vẫn đang “đỏ lửa”. Tất cả phương tiện ra vào khu lò gạch của 2 xã này đều phải đi qua 1,5km đường đê Khoang Ông và khu dân cư thôn Hòa Thạch. Chính sự “tắc trách” của chính quyền địa phương và sự bất chấp của các chủ lò khiến việc người dân yêu cầu dừng hoạt động đốt gạch đã không được thực hiện.
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, xóm Đồi Phủ, thôn Hòa Thạch (xã Hòa Thạch), không chỉ gây ô nhiễm môi trường từ bụi và khói, ban đêm tiếng xe ô tô chở gạch gầm rú ga làm ảnh hưởng đến giấc ngủ của người dân. Gần 20 năm qua, người dân luôn phải đóng cửa nhà để chống đỡ bụi và tiếng ồn của động cơ xe. Năm 2018, UBND huyện đã chỉ đạo các xã thanh lý hợp đồng cho thuê đất, trong đó có xã Hòa Thạch và Phú Cát. Mặc dù việc thanh lý hợp đồng thuê đất đã diễn ra nhưng đến nay chủ lò vẫn sử dụng mặt bằng sản xuất gạch. Như vậy, phải chăng giữa chủ lò và UBND xã có “thoả thuận ngầm” trong việc sử dụng mặt bằng(?).
Qua tìm hiểu của phóng viên, khoảng năm 2000, trên địa bàn huyện Quốc Oai “nở rộ” phong trào thuê mặt bằng để sản xuất gạch tại các xứ đồng vùng trũng canh tác kém hiệu quả. Quá trình đốt gạch đã gây ảnh hưởng đến sản xuất và cuộc sống của người dân, nên năm 2007 UBND huyện đã vào cuộc tháo dỡ hàng loạt lò gạch. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì từ đó đến năm 2016, UBND huyện đã “linh động” ký hàng loạt giấy cấp phép xây dựng tạm thời làm “bùa hộ mệnh” cho chủ lò sản xuất gạch. Từ năm 2017 đến nay, UBND TP quyết liệt chỉ đạo các huyện xoá bỏ lò gạch thủ công, nhưng huyện Quốc Oai vẫn lừng khừng chỉ xử lý trên giấy.
Lý giải về nội dung này, Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai Nguyễn Quang Thắm thừa nhận, chính việc cấp phép xây dựng tạm thời cho 11 lò gạch và do chưa vào cuộc quyết liệt nên hàng loạt lò gạch thủ công ở 7 xã, thị trấn mới tồn tại cho đến nay, khiến người dân bức xúc là đúng. Năm 2018, UBND huyện chỉ đạo các địa phương phải thanh lý hợp đồng cho thuê đất sản xuất gạch, qua đó nhiều xã đã chấp hành, tuy nhiên vẫn còn một số xã như Tân Phú, Cộng Hòa... chưa chấp hành.
Với nội dung nhiều xã đã thanh lý hợp đồng cho thuê đất nhưng lò gạch vẫn “đỏ lửa”, như vậy việc sử dụng mặt bằng có khuất tất(?). Ông Nguyễn Quang Thắm cho rằng, trách nhiệm trả lời nội dung này này thuộc về UBND các xã, thị trấn là đơn vị trực tiếp cho thuê đất, không thuộc thẩm quyền của phòng chuyên môn. Đồng thời, ông Thắm khẳng định: “Lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo, trước tiên các phòng chuyên môn cùng UBND xã Hòa Thạch và Phú Cát xử lý dứt điểm các lò gạch thủ công tại 2 xã này đến hết tháng 9/2021 phải hoàn thành. Sau đó tiếp tục xử lý các lò gạch còn lại của các xã, thị trấn khác”.
Công Tâm - Kinh tế & Đô thị