Không có chính sách khí hậu tốt nếu không có dữ liệu tốt
Các chính sách về khí hậu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng đo lường chính xác xu hướng phát thải khí nhà kính (GHG) của cộng đồng quốc tế.
Việc kiểm kê phát thải khí nhà kính (GHG) thể hiện mối liên kết giữa các hành động chính trị trong nước cũng như quốc tế đối với vấn đề biến đổi khí hậu và khoa học khí hậu và môi trường. Hiện nay, cộng đồng nghiên cứu và các cơ quan kiểm kê đã tiếp cận vấn đề biến đổi khí hậu từ nhiều góc độ khác nhau cũng như sử dụng các thuật ngữ, chuẩn đo, quy tắc nhưng các cách tiếp cận này không phải lúc nào cũng tương thích với nhau.
Đặc biệt, khi đánh giá “Sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất và lâm nghiệp” (LULUCF) - yếu tố chiếm gần 25% mức giảm phát thải mà các quốc gia đã cam kết trong Đóng góp quốc gia tự quyết định (Nationally Determined Contributions - NDCs) thuộc Thỏa thuận Paris, vấn đề này càng trở nên rõ ràng hơn. Đây là một trong những lĩnh vực thách thức nhất trong tất cả các lĩnh vực kiểm kê do mức độ phức tạp cao của động lực học carbon và khó khăn trong xác định đâu là biến đổi do tự nhiên, đâu là do con người.
Một nghiên cứu mới do Trung tâm châu Âu - Địa Trung Hải về biến đổi khí hậu (CMCC) dẫn dắt và công bố trên tạp chí Environmental Science and Policy gần đây đã giúp hiểu rõ hơn các yêu cầu về báo cáo hiện tại về việc thực hiện theo Công ước khung Liên Hiệp Quốc về Biến đổi khí hậu (UNFCC) và tương lai (theo Thỏa thuận chung Paris), đồng thời xác định được các vấn đề và chủ đề chính mà cộng đồng nghiên cứu nên cân nhắc khi nhắm đến mục tiêu nâng cao chất lượng kiểm kê khí nhà kính.
Lucia Perugini, nhà khoa học tại CMCC và là tác giả thứ nhất của công bố này, giải thích: “Nghiên cứu của chúng tôi hướng đến việc ‘xây những cây cầu’ kết nối cộng đồng nghiên cứu với các cơ quan kiểm kê. Nó sẽ giúp đem lại một cái nhìn toàn cảnh về các yêu cầu báo cáo và xác minh khí nhà kính hiện tại và tương lai theo Thỏa thuận Paris, cũng như giúp cộng đồng nghiên cứu xác định địa điểm và cách thức để tham gia hỗ trợ cho các cơ quan kiểm kê khí nhà kính một cách hiệu quả.”
Hiện nay, số liệu về lượng phát thải ròng toàn cầu gây ra bởi việc sử dụng đất của con người có sự chênh lệch (khoảng 5 gigaton CO2 mỗi năm) giữa các mô hình toàn cầu (được đánh giá trong báo cáo đánh giá AR5 gần đây nhất của IPCC) và các kiểm kê khí nhà kính quốc gia (được báo cáo với UNFCC). Nguyên nhân phần lớn là do sự khác biệt trong việc xác định thế nào là sự thay đổi đất do con người gây ra. Thêm vào đó, cộng đồng làm về mô hình hóa trên toàn cầu và chính phủ của các quốc gia hiện cũng đang áp dụng nhiều phương pháp khác nhau để ước tính và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính (GHG) trên đất liền. Vậy làm thế nào để dung hòa những khác biệt khái niệm giữa các mô hình và việc kiểm kê khí nhà kính?
Mỗi một cách tiếp cận sẽ có những ưu và nhược điểm riêng, tuy nhiên vấn đề ở đây là các phương pháp mà cộng đồng nghiên cứu sử dụng lại không hoàn toàn có thể so sánh được với nhau. Việc dung hòa những khác biệt giữa các phương pháp không có nghĩa là nó sẽ đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải từ bỏ cách tiếp cận cũ của mình. Thay vào đó, nó chỉ thúc đẩy họ tìm ra các giải pháp mới để đảm bảo khả năng so sánh tương quan giữa các bên.
Nghiên cứu mới của nhóm tác giả Lucia Perugini đã nhấn mạnh vào một điểm, đó là cộng đồng nghiên cứu cần phải hiểu rõ hơn các thuật ngữ, quy tắc, thủ tục mà các quốc gia đang tuân theo khi ước tính và báo cáo lượng phát thải khí nhà kính của mình theo Thỏa thuận Paris. Có một tình trạng thường xuyên xảy ra là các bài báo khoa học thường không sử dụng cùng một ngôn ngữ với cộng động kiểm kê khí nhà kính. Ngoài ra, để phù hợp với việc cải thiện dữ liệu kiểm kê khí nhà kính của các quốc gia, cộng đồng nghiên cứu nên cung cấp các hướng dẫn về phương pháp luận và kết quả nghiên cứu. □
Mỹ Hạnh dịch
Nguồn: https://phys.org/news/2021-05-good-decisions-climate-policymaking-critical.html
Báo Tia sáng