HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

Bụi mịn ở Hà Nội hình thành từ các nguồn nào?


Đốt sinh khối (vật liệu sinh học) chiếm 26%, hoạt động công nghiệp khoảng 29%, giao thông chiếm 15% tổng lượng bụi mịn PM 2.5 ở Hà Nội.

Kết quả trên được công bố trong hội thảo trực tuyến Quản lý chất lượng không khí Hà Nội, thực trạng các nguồn gây ô nhiễm và giải pháp do Ngân hàng thế giới (WB) phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội tổ chức sáng 30/6.

Bà Katelijn Van Den Berg, chuyên gia WB, cho biết từ tháng 8/2019 đến 7/2020 cơ quan này đã thu 80 mẫu bụi mịn tại điểm đo trụ sở Chi cục Bảo vệ môi trường tại Cầu Giấy và Trung tâm Quan trắc môi trường khu vực miền Bắc tại 559 Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm) và mang về Viện Khí tượng Phần Lan phân tích.

Kết quả cho thấy lượng bụi PM 2.5 trung bình của hai điểm đo trên lần lượt là 46 μm/m3 và 49 μm/m3. Giai đoạn tháng 10 đến tháng 2 tăng lên 150-200 μm/m3. Các chỉ số này vượt quá tiêu chuẩn Việt Nam là 25 μm/m3, tiêu chuẩn WHO là 10 μm/m3. "Phân tích thành phần hóa học của bụi mịn PM2.5 cho thấy trong bụi có kim loại nặng như chì và thiếc", bà Katelijn nói.

Kết quả trên dựa theo phân tích thành phần hóa học của bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh và kiểm chứng bằng mô hình GAINS. Mô hình GAINS đang được sử dụng ở các nước EU, Trung Quốc và Thái Lan để mô phỏng, xác định các nguồn gây ô nhiễm không khí, qua đó đề xuất chính sách và biện pháp tối ưu nhằm giảm ô nhiễm.

Đóng góp các nguồn thải bụi mịn PM 2.5. Ảnh: WB

Đóng góp các nguồn thải bụi mịn PM 2.5. Ảnh: WB

PGS.TS Hoàng Anh Lê, Khoa Môi trường, Đại học Quốc gia Hà Nội, cho biết vụ đông xuân năm nay tỷ lệ đốt rơm rạ của Hà Nội trên 43% với gần 2.000 tấn bụi mịn PM 2.5 phát thải, lớn hơn so với vụ cùng kỳ năm 2020. "Do ảnh hưởng của Covid-19, người dân ở nhà nhiều, nhu cầu canh tác đồng ruộng tăng lên, làm thêm cả những phần đất trước đây đã bỏ không. Nắng nóng và do nhu cầu giải phóng đồng ruộng cho mùa vụ mới nên phần lớn rơm rạ bị đốt bỏ", PGS Lê nói.

Các huyện có tỷ lệ phát thải bụi mịn cao do đốt rơm rạ cũng đồng thời là những nơi có diện tích trồng lúa lớn là Thanh Oai, Thường Tín, Phú Xuyên, Chương Mỹ, Đông Anh và Mê Linh.

Bà Nguyễn Thị Lệ Thu, chuyên gia môi trường của WB, cho biết ngoài các nguồn từ sản xuất công nghiệp, đốt sinh khối, giao thông thì một nửa bụi mịn được hành thành từ bụi thứ cấp (do quá trình phản ứng trong không khí). Chỉ 1/3 bụi mịn đến từ các nguồn thải trên địa bàn Hà Nội, còn lại đến từ các tỉnh lân cận, khu vực đồng bằng Sông Hồng, vận chuyển quốc tế và nguồn từ tự nhiên.

Khoảng 3,5 triệu người Hà Nội bị ảnh hưởng bởi nồng độ bụi PM 2.5 trên 45 μm/m3, cao hơn tiêu chuẩn Việt Nam là 25 μm/m3. "Khoảng 5.800 người chết mỗi năm ở Hà Nội liên quan đến bụi mịn, thành phố cũng mất mỗi năm khoảng 7,74% tổng sản phẩm để chỉ trả chi phí y tế, phúc lợi xã hội cứu chữa các bệnh do bụi mịn gây nên", bà Thu nói.

Để chất lượng không khí TP Hà Nội đạt tiêu chuẩn quốc gia trong thời gian tới, bà Thu đề nghị Hà Nội cần kết hợp với các tỉnh lân cận thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm.

Bản đồ phát thải PM 2.5 do đốt rơm rạ ở Hà Nội. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội

Bản đồ phát thải PM 2.5 do đốt rơm rạ ở Hà Nội. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, cho rằng kết quả trên thể hiện tính công phu của đơn vị nghiên cứu khi phân tích số lượng mẫu lớn trong một thời gian ngắn. "Nếu như trước đây chúng ta tập trung vào các nguồn giao thông, công nghiệp thì qua kết quả này cho thấy nguồn từ nông nghiệp như đốt rơm rạ, phân bón, xả thải không thể xem nhẹ", ông nói.

Chuyên gia này cho rằng Hà Nội từ các thành phần đóng góp bụi mịn, chính quyền có thể ưu tiên việc gì cần làm trước, làm sau để giảm thiểu. Quá trình cải thiện chất lượng không khí sẽ cần thời gian và kinh phí, không thể làm trong một sớm một chiều.

Thời sự - VNexpress