EU thông qua dự luật về khí hậu: ''Lộ trình xanh'' cho tương lai
Ngày 28-6 vừa qua, các bộ trưởng Liên minh châu Âu (EU) đã chính thức thông qua dự luật mang tính bước ngoặt về khí hậu, trong đó đặt mục tiêu lượng khí thải ròng cho đến năm 2030 giảm 55% so với mức của năm 1990 và đạt được trung hòa khí thải CO2 (tức lượng CO2 bằng không) vào năm 2050. Theo các nhà lãnh đạo Cựu lục địa, dự luật này sẽ giúp EU đạt được "lộ trình xanh" cho tương lai.
Hiện tại, phần lớn các luật của EU đều hướng tới việc giảm 40% lượng khí thải đến năm 2030. Vì thế, trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo khối này cần phải nhanh chóng đưa ra những sửa đổi để đáp ứng các mục tiêu mới về giảm lượng khí thải. Theo kế hoạch, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ đề xuất một loạt chính sách định hình lại ngành công nghiệp, năng lượng, giao thông vận tải và nhà ở nhằm giảm nhanh hơn lượng khí thải CO2.
Ngoài ra, các đề xuất bao gồm nhiều mục tiêu tham vọng hơn về năng lượng tái tạo, cải cách thị trường CO2 và siết chặt tiêu chuẩn về khí thải đối với phương tiện ô tô. Các doanh nghiệp ngoài EU nhập khẩu các mặt hàng tiêu tốn năng lượng có thể sẽ đối mặt với loại thuế có tên gọi "cơ chế điều chỉnh các bon tại biên giới". Trong khi đó, các công ty hàng hải điều hành tàu chở hàng và du lịch sẽ phải mua giấy phép chống ô nhiễm. Dự luật cũng yêu cầu EU thành lập một cơ quan chuyên môn độc lập nhằm tư vấn về các chính sách khí hậu và thiết lập một cơ cấu giống như ngân sách để tính toán tổng lượng khí phát thải của EU từ năm 2020-2030 theo các mục tiêu về giảm lượng CO2.
Để đạt được sự thống nhất quan trọng này, các nước thành viên EU đã phải nỗ lực suốt một thời gian dài nhằm xóa bỏ những bất đồng. Một số quốc gia như Séc, Ba Lan, Hungary tỏ ra bất an trước nguy cơ chi phí của nhiều ngành sản xuất tăng cao khi phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt mới về môi trường. Trong khi đó, Đức, Pháp sẵn sàng đi đầu trong chống biến đổi khí hậu. Đức thậm chí còn đưa ra mục tiêu giảm 65% lượng khí thải CO2 vào năm 2030 và đạt trung hòa CO2 vào năm 2045.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng, bảo vệ khí hậu chính là bảo tồn môi trường sống và sinh kế của loài người, không chỉ mang lại lợi ích cho thế hệ hiện tại mà còn cho thế hệ tương lai trên toàn thế giới. Do đó, Thủ tướng Đức kêu gọi các quốc gia cùng chung tay hành động, thực hiện nhiều biện pháp triệt để hơn nữa để bảo vệ khí hậu.
Về phía Pháp, Hạ viện nước này cũng đã thông qua dự luật về khí hậu gồm 6 mục tiêu chính nhằm thay đổi thói quen tiêu dùng, phương thức sản xuất, làm việc, di chuyển, hành xử trong ăn uống và tăng cường tư pháp bảo vệ môi trường. Ngoài ra, văn kiện này cũng đề ra nhiều lệnh cấm như cấm quảng cáo nhiên liệu hóa thạch, xóa bỏ các đường bay nội địa có khoảng cách ngắn và có thể thay thế bằng tàu cao tốc...
Dự kiến, trong tuần này Nghị viện châu Âu (EP) và các nước thành viên EU sẽ chính thức ký phê chuẩn dự luật về khí hậu. Khi văn kiện này có hiệu lực và được thực thi, vấn đề khí hậu sẽ là trung tâm trong mọi quyết sách của EU. Hiện dư luận thế giới tin tưởng, động thái tích cực của EU sẽ có tác động không nhỏ vào kết quả Hội nghị biến đổi khí hậu thế giới dự kiến diễn ra ở Glasgow, Scotland (Anh) vào cuối năm nay.
Trong bối cảnh trái đất đang tiến gần hơn đến giới hạn đỏ về môi trường, dự luật về khí hậu của EU sẽ tiếp thêm động lực để cộng đồng quốc tế hành động quyết liệt hơn nữa vì lợi ích toàn cầu. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres khẳng định, năm 2021 phải là năm hành động để ngăn chặn những hậu quả "thảm khốc" của biến đổi khí hậu. Nếu các quốc gia không hành động khẩn trương và có sự thống nhất, thì cuộc khủng hoảng khí hậu là điều không thể đảo ngược.
Quỳnh Dương - Hà Nội mới