Việt Nam tích cực đóng góp giảm khí thải nhà kính
Việt Nam sẽ nâng mức đóng góp, giảm lượng phát thải lên mức 9% bằng nguồn lực trong nước và 27% khi có sự hỗ trợ của quốc tế.
Việt Nam và hơn 190 quốc gia khác đã tham gia Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu từ hơn 5 năm trước, với mục tiêu giữ cho nhiệt độ trung bình toàn cầu vào cuối thể kỷ này tăng không quá 2oC và cố gắng dưới 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp. Đến nay, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2030 theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris và là một trong những nước tích cực thực hiện Thỏa thuận này. Việc Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh về khí hậu khẳng định vai trò và đóng góp trách nhiệm của Việt Nam trong giải quyết thách thức toàn cầu lớn nhất này.
Năm nay, các quốc gia bắt đầu thực hiện các cam kết về giảm phát thải khí nhà kính theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Là một trong 20 nước đầu tiên trên thế giới nộp bản Đóng góp quốc gia tự quyết định cập nhật, Việt Nam sẽ nâng mức đóng góp, giảm lượng phát thải lên mức 9% bằng nguồn lực trong nước và 27% khi có sự hỗ trợ của quốc tế. Các con số cam kết ban đầu là 8% và 25%.
Với sự điều chỉnh này, mức giảm phát thải khí nhà kính đã tăng lên so với thỏa thuận ban đầu.
Carbon là một trong 5 loại khí nhà kính chủ yếu. Chúng ta không thể nhìn thấy ô nhiễm carbon. CO2 tích tụ trong không khí đến từ lối sống đô thị đang gia tăng: ô tô, xe máy và các phương tiện giao thông khác, các nhà máy điện, thậm chí đến từ rác thải nông nghiệp và công nghiệp. Trong 1 ngày có tới 500.000 tấn CO2 lơ lửng trong không khí tại Việt Nam và con số này là 200 triệu tấn mỗi năm, chiếm khoảng 1% của toàn thế giới. Lượng Carbon sẽ ở trong không khí tới vài thập kỷ nữa, gây ô nhiễm và góp phần khiến Trái đất ấm lên.
Giảm khí thải Carbon không chỉ đem lại những lợi ích trong cuộc chiến chống lại biến đổi khí hậu mà còn có thể mang lại những lợi ích to lớn về kinh tế. Dẫu vậy, đến nay mới chỉ hơn 80 trên tổng số 190 quốc gia, tức là chưa đến một nửa các quốc gia tham gia Thỏa thuận Paris nộp bản kế hoạch cập nhật tự cắt giảm khí nhà kính của mình, chỉ có 6 quốc gia đưa nội dung phát thải khí Carbon về 0 vào luật, hơn 100 quốc gia khác đang xem xét đưa mức phát thải về 0 vào năm 2050.
Còn ở Việt Nam, trong dự thảo Quy hoạch điện trong 10 năm tới, sẽ ưu tiên phát triển năng lượng sạch và không có quy hoạch điện than mới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham dự và phát biểu Hội nghị Thượng đỉnh trực tuyến về khí hậu là dịp để Việt Nam khẳng định cam kết và thành quả của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Đồng thời giúp cộng đồng quốc tế hiểu hơn những thách thức của Việt Nam đứng thứ 6 trong danh sách quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất do biến đổi khí hậu, qua đó, góp phần huy động hơn nữa sự hỗ trợ của quốc tế về tài chính và công nghệ trong ứng phó với những hậu quả do Trái đất ngày càng ấm lên.
Banthoisu_VTV.vn