Chất lượng không khí tại Hà Nội đã có sự chuyển biến
Ba tháng đầu năm 2021, chất lượng không khí trên địa bàn thành phố Hà Nội có sự chuyển biến rõ nét so với cùng kỳ nhiều năm trước. Số ngày không khí ở mức kém, xấu và rất xấu giảm; số ngày không khí ở mức tốt và trung bình tăng.
Kết quả này là nhờ sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan chức năng, các địa phương trong việc tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát và thúc đẩy nhiều giải pháp hạn chế phát sinh ô nhiễm...
Chất lượng không khí đã được cải thiện
Số liệu từ các trạm quan trắc không khí tự động trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, chỉ số chất lượng không khí (AQI) đã được cải thiện trong từng tháng. Nếu như, trong tháng 1-2021, 11 khu vực ở nội thành có từ 9 đến 21 ngày chất lượng không khí ở mức xấu và rất xấu thì sang tháng 2 và tháng 3, chỉ còn 5 khu vực có 1 đến 2 ngày chất lượng không khí ở mức xấu, không có ngày nào ở mức rất xấu; số ngày tốt và trung bình tăng.
Ông Phạm Hải Dương, chuyên gia môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết, 3 tháng qua, Hà Nội không còn xuất hiện những đợt ô nhiễm nghiêm trọng. Có được kết quả này là do các sở, ngành, địa phương đã vào cuộc quyết liệt, triển khai các giải pháp hạn chế nguồn gây ô nhiễm.
Có thể nói, thời gian vừa qua, các địa phương đã thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 15/CT-UBND của UBND thành phố về xóa bếp than tổ ong và hạn chế đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng sau thu hoạch (đến đầu năm 2021, thành phố đã loại bỏ được 92% lượng bếp than tổ ong, giảm được 95% lượng rơm rạ đốt ngoài đồng ruộng).
Mặt khác, các đơn vị môi trường tăng cường phun nước rửa đường, thu gom triệt để rác, bụi bẩn trên các tuyến đường, dải phân cách đường giao thông. Cùng với đó, Thanh tra Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đã thường xuyên xử lý những trường hợp xe tải làm rơi vãi đất, đá ra đường…
Thông số bụi mịn PM 2.5 trên địa bàn thành phố đã giảm qua từng tháng, tuy nhiên vẫn thiếu bền vững và phụ thuộc nhiều vào yếu tố thời tiết. Một trong những nguyên nhân là có việc nguồn phát thải chính từ phương tiện giao thông chưa được xử lý căn cơ. Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 6 triệu xe máy, hơn 500 nghìn xe ô tô, mỗi ngày xả ra môi trường một lượng lớn khí CO và bụi mịn PM 2.5. Trong khi đó, giải pháp của các cơ quan chức năng mới dừng ở việc thống kê nguồn thải và tuyên truyền, vận động người dân hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân, thay thế xe cũ nát, không đạt tiêu chuẩn về khí thải...
Tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn thải
Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái, để cải thiện chất lượng không khí, các cơ quan chức năng của thành phố cần tăng cường kiểm tra, giám sát các nguồn thải, đặc biệt là các nguồn thải lớn; đồng thời lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động, liên tục truyền số liệu quan trắc về Sở Tài nguyên và Môi trường để giám sát. Mặt khác, thành phố cần tạo cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình sản xuất sạch; tăng cường các giải pháp thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý môi trường; xây dựng phần mềm quản lý môi trường đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ tình hình ô nhiễm không khí.
Cùng với đó, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí do các hoạt động công nghiệp; giám sát và xử phạt nghiêm các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường; đồng thời đẩy nhanh việc xây dựng các nhà máy đốt rác, xử lý rác tiên tiến và thúc đẩy trồng cây phủ xanh đô thị.
Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch mạng lưới không khí sạch Việt Nam cho rằng: Hà Nội cần chỉ đạo quyết liệt hơn nữa việc kiểm soát ô nhiễm không khí từ hoạt động giao thông vận tải. Theo đó, cần kiểm tra lượng xả thải của các loại xe đang lưu thông và dừng vận hành đối với các xe không đạt tiêu chuẩn về khí thải. Mặt khác, Hà Nội cần phát triển nhanh hơn nữa mạng lưới giao thông công cộng để hạn chế phương tiện giao thông cá nhân trong nội thành; đẩy nhanh tiến độ di chuyển trường đại học, trụ sở cơ quan ra khỏi nội đô để dành đất phát triển không gian xanh... “Hà Nội có thể định giá ô nhiễm phù hợp với nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Điều này sẽ góp phần hạn chế được nguồn gây ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố…”- Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng đề xuất.
Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, vấn đề ô nhiễm môi trường không khí ở Hà Nội trong thời gian tới sẽ được kiểm soát và tiếp tục có sự cải thiện tích cực...
Hoàng Sơn - Hà Nội Mới