HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

Hà Nội triển khai nhiều giải pháp hạn chế ô nhiễm không khí


Những ngày vừa qua, chất lượng không khí ở Hà Nội nằm trong ngưỡng xấu và rất xấu. Để cải thiện chất lượng không khí, cần có lộ trình và sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của cơ quan chức năng, chính quyền các cấp cũng như người dân.

Thời tiết bất lợi, chất lượng không khí suy giảm

Những ngày vừa qua, ghi nhận tại 35 điểm quan trắc, chất lượng không khí ở Hà Nội đều nằm trong ngưỡng xấu và rất xấu, tác động nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng. Đỉnh điểm là ngày 4-1-2021, có 11/35 trạm quan trắc, chỉ số chất lượng không khí (AQI) từ 201 đến 250 - ở thang cảnh báo 5/6. Trong khi đó, theo nhận định của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ tháng 1 đến tháng 3-2021 sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí ở các đô thị trên cả nước, trong đó có thành phố Hà Nội...

Lý giải về tình trạng nêu trên, chuyên gia môi trường Phạm Hải Dương (Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội) cho biết, thời điểm này, nền nhiệt thấp, ít ánh sáng, ít mưa khiến không khí bị ô nhiễm nặng hơn. Mặt khác, mùa đông thường xảy ra hiện tượng nghịch nhiệt, chất ô nhiễm không phát tán được. Hiện tượng này xảy ra khi càng lên cao, nhiệt độ càng cao (trái với quy luật là càng lên cao, nhiệt độ càng thấp). Lớp nghịch nhiệt giống như cái mũ, ngăn chất ô nhiễm phát tán lên cao. Những hôm có sương mù, không khí càng ô nhiễm nặng...

Tuy nhiên, điều kiện thời tiết chỉ là yếu tố khách quan, nguyên nhân sâu xa vẫn do nguồn phát thải như: Đốt rơm rạ, rác thải; sử dụng than tổ ong; hoạt động của phương tiện giao thông, đặc biệt là xe cũ nát không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải; hoạt động phá dỡ công trình xây dựng; xe vận chuyển vật liệu không được che chắn để đất, cát rơi vãi ra đường... Trong đó, bụi mịn từ hoạt động giao thông và xây dựng là “thủ phạm” chính gây ô nhiễm môi trường. Do đó, ngăn chặn được phát thải từ hai nguồn này, không khí ở Hà Nội sẽ được cải thiện.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp

Ông Mai Trọng Thái, Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho biết, thành phố Hà Nội đã xác định được 12 nguyên nhân gây ô nhiễm không khí. Bước đầu, thành phố đã hạn chế được một số nguồn phát thải ô nhiễm như: Giảm được 85% số lượng bếp than tổ ong; hạn chế 75% số lượng rơm rạ, phụ phẩm cây trồng đốt trên đồng ruộng; tăng cường quét, hút bụi, tưới nước rửa đường trên các tuyến phố; ra quân xử lý xe ô tô chở vật liệu, rác thải gây ô nhiễm môi trường...

“Thành phố Hà Nội đang nghiên cứu phương án thu hồi, loại bỏ phương tiện cơ giới cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành gây ô nhiễm môi trường không khí”, ông Mai Trọng Thái cho biết thêm.

Về vấn đề này, ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam đề xuất, thành phố Hà Nội triển khai ngay việc kiểm tra tiêu chuẩn khí thải xe máy để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện lưu hành và dừng lưu hành với xe máy không đáp ứng tiêu chuẩn về khí thải.

Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Lê Tuấn Định, để những giải pháp trên sớm được triển khai, cần sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ hơn nữa của các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thuộc thành phố cũng như sự hỗ trợ của các bộ, ngành trung ương.

Trước mắt, để hạn chế ô nhiễm không khí, thành phố Hà Nội đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phối hợp với các quận, huyện, thị xã tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ; không sử dụng bếp than tổ ong; rà soát các cơ sở sản xuất bếp than, than tổ ong, đề nghị chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố. Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục xây dựng phương án phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá tính hiệu quả của mô hình hạn chế đốt rơm rạ và đề xuất mô hình tái sử dụng rơm rạ sau thu hoạch...

Ngoài ra, theo ông Lê Tuấn Định, thành phố cũng giao Sở Xây dựng tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các công trình xây dựng, cải tạo sửa chữa, lát đá vỉa hè; Công an thành phố xử lý nghiêm phương tiện giao thông xả khói thải, xe cơ giới quá niên hạn sử dụng, ô tô không che chắn, cuốn đất đá trên đường.

Đặc biệt, thành phố giao Sở Y tế phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kịch bản ứng phó với ô nhiễm không khí để đưa ra cảnh báo với người dân khi chỉ số AQI từ mức xấu đến nguy hại, như: Không ra ngoài tập thể dục vào buổi sáng và chiều tối; hạn chế mở cửa sổ, sử dụng khẩu trang chống bụi khi ra đường, trồng cây xanh quanh nhà giúp ngăn bụi, làm sạch không khí...

“Khi các cấp, sở, ngành vào cuộc quyết liệt, đồng bộ cùng sự ủng hộ của người dân sẽ hạn chế được tối đa nguồn gây ô nhiễm môi trường không khí ở Thủ đô”, ông Lê Tuấn Định nhấn mạnh.

Hoàng Sơn - Hà Nội Mới