HỆ THỐNG ĐANG TRONG QUÁ TRÌNH KIỂM ĐỊNH HIỆU CHUẨN

[Chất lượng không khí ngày 22/12]: AQI có xu hướng tăng cao


Theo kết quả quan trắc tại 35 trạm trên địa bàn TP Hà Nội, bắt đầu từ đêm ngày 21/12/2020, chỉ số chất lượng không khí AQI có xu hướng tăng cao do ảnh hưởng của khối không khí lạnh cùng điều kiện lặng gió khiến các chất ô nhiễm không thể khuếch tán đi.

Cụ thể, tại thời điểm 6h sáng có 6/35 trạm chạm ngưỡng “xấu” (mức cảnh báo 4/6) và 27/35 trạm chạm ngưỡng “kém” (mức cảnh báo 3/6), còn lại 2/35 trạm là mức “trung bình” (mức cảnh báo 2/6), AQI dao động trong khoảng 93 - 164.

Đêm ngày 21/12 cho đến rạng sáng ngày 22/12, thời tiết lặng gió (tốc độ gió dao động từ 0.1 – 1.4 m/s), nhiều mây, âm u, sáng sớm sương mù dày đặc, về đêm nhiệt độ giảm mạnh gây cản trở quá trình khuếch tán chất ô nhiễm trong không khí khiến CLKK bắt đầu từ đêm 21/12 có xu hướng giảm, nhiều địa điểm CLKK chạm ngưỡng “kém” và “xấu”. Bên cạnh đó còn có khí thải phát sinh từ hoạt động hằng ngày như sinh hoạt, giao thông, xây dựng,… cũng góp phần gây suy giảm chất lượng không khí. Dự kiến đến trưa và chiều nay khi có nắng, nhiệt độ không khí tăng, thúc đẩy quá trình khuếch tán vật chất trong không khí. Khi đó nồng độ chất ô nhiễm sẽ giảm dần, chất lượng không khí được cải thiện.

Trong tình trạng chất lượng không khí như hiện nay, Sở TN&MT Hà Nội khuyến cáo, mọi người dân nên trang bị khẩu trang chống bụi PM2.5 đạt chuẩn khi ra ngoài. Đặc biệt, những người bình thường nên giảm các hoạt động mạnh khi ở ngoài trời, tránh tập thể dục kéo dài và nghỉ ngơi nhiều hơn trong nhà; nhóm người nhạy cảm nên ở trong nhà và giảm hoạt động mạnh, nếu cần thiết phải ra ngoài, hãy đeo khẩu trang đạt tiêu chuẩn.

Người dân cần nghiêm túc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế và Chính phủ khuyến cáo. Đồng thời thường xuyên theo dõi chất lượng không khí tại Cổng thông tin quan trắc môi trường của Thành phố: http://moitruongthudo.vn

 Theo đại diện Sở TN&MT Hà Nội, để cải thiện chất lượng không khí Thành phố rất cần sự chung tay của cả cộng đồng. Vì vậy, đề nghị người dân không sử dụng bếp than tổ ong và đốt các nhiên liệu than cấp thấp (đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại trừ 100% bếp than tổ ong trên địa bàn Thành phố Hà Nội trước 31/12/2020); cam kết không đốt rơm rạ, không đốt các phụ phẩm trong hoạt động sản xuất nông nghiệp; đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định, không đốt rác bừa bãi; hạn chế đốt hương, vàng mã; tích cực tham gia hưởng ứng phong trào trồng cây xanh tại địa phương.

“Các phương tiện chở vật liệu xây dựng, phế thải đề nghị phải có biện pháp che chắn không gây ô nhiễm môi trường, không chở quá tải. Tất cả các xe trọng tải từ 1,5 tấn trở lên chỉ được đi vào Thành phố từ vành đai 3 trở vào từ 22h đến 6h sáng hôm sau” -  đại diện Sở TN&MT Hà Nội nhấn mạnh.

Lê Mai - Kinh tế & Đô thị