Giải bài toán ô nhiễm không khí từ quy hoạch xây dựng
Đô thị hóa đã góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, đáp ứng sự phát triển của xã hội. Tuy nhiên, khi thiếu các giải pháp đồng bộ thì tạo ra một số hệ quả đối với đô thị, trong đó có vấn đề môi trường.
Môi trường đô thị chịu nhiều tác động
Vấn đề ô nhiễm không khí trở thành mối quan tâm đặc biệt của dư luận khi Hà Nội có tên trong các bảng xếp hạng về những TP ô nhiễm. Theo số liệu báo cáo của tổ chức Hòa Bình xanh quốc tế (Green Peace), năm 2019 và 2020, không khí Hà Nội có thời điểm đạt đến ngưỡng báo động. Tác nhân chính gây ra ô nhiễm môi trường của Hà Nội đã được các cơ quan chuyên môn xác định, đó là khí xả thải từ ô tô, xe máy; đun bếp than tổ ong; ô nhiễm ao hồ lâu năm; sản xuất công nghiệp; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa… Tuy nhiên, dưới góc nhìn vĩ mô, nhiều chuyên gia nhìn nhận, lý do lớn nhất và sâu xa nhất chính là từ lĩnh vực quy hoạch
TS. KTS Nguyễn Tất Thắng - Trưởng phòng Quản lý khoa học Kỹ thuật và Dữ liệu, Viện Kiến trúc quốc gia cho rằng, việc bỏ qua và không tuân thủ các yêu cầu về mật độ xây dựng, mật độ dân số, mật độ cư trú lẫn chức năng sử dụng đất… bị lạm dụng và trở thành hội chứng điều chỉnh quy hoạch dẫn đến việc gia tăng cư dân không kiểm soát, không những gây áp lực mà còn dẫn tới hủy hoại môi trường không khí, hạ tầng kỹ thuật đô thị vốn đã lạc hậu. Với kết cấu trong thị có thôn và ngược lại trong thôn có thị đã dẫn đến việc nhiều hoạt động sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở ven đô, ngoại vi như đốt rơm rạ sau thu hoạch, sản xuất các vật liệu xây dựng như lò gạch thủ công, gia công cơ khí, hóa chất… Khói bụi và các chất độc hại bị thải vào môi trường, đặc biệt vào mùa Hè, tích tụ với nhiệt độ và hiệu ứng nhà kính, càng làm cho sức nóng và đảo nhiệt của đô thị lớn hơn.
Bên cạnh đó, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp vừa và nhỏ, nhà máy, bệnh viện.. vẫn còn nằm trong nội đô, hàng ngày, thải ra toàn bộ các chất thải rắn, lỏng, khí… gây độc hại vẫn chưa được di dời ra khỏi nội đô. Hoạt động thi công xây dựng, vận chuyển nguyên vật liệu và phế thải xây dựng diễn ra vừa ồ ạt, vừa manh mún với nhiều biện pháp thi công lạc hậu, không che chắn… đã tạo một khối lượng lớn bụi, khói vào môi trường đô thị.
Việc quá chú trọng vào phát triển nhà ở mà ít quan tâm tới xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng môi trường đô thị cũng là nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí gia tăng. Theo KTS Lê Anh Tuấn (Hội Kiến trúc sư Hà Nội), hệ thống đường giao thông, cây xanh, mặt nước, hồ điều hòa, công viên, vườn hoa, không gian công cộng đang khá thiếu trong các thiết kế quy hoạch đô thị; hoặc nếu có thì tầm nhìn dự báo cũng ở giai đoạn ngắn hạn.
Trong khi đó, thực trạng nhiều ao hồ ngoài vùng nội đô bị san lấp để xây dựng các công trình đã ảnh hưởng tới việc điều hòa, làm tăng chất lượng không khí trong đô thị vốn đã bị nén và quá tải. “Việc quy hoạch xây dựng chiến lược phát triển Hà Nội theo đô thị tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu ô nhiễm chưa được đề cập thỏa đáng trong chính sách vĩ mô cũng như các đồ án quy hoạch chi tiết để triển khai áp dụng” - KTS Lê Anh Tuấn nêu.
Giải pháp dài hạn từ quy hoạch
Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - TS. KTS Phan Đăng Sơn đánh giá, Hà Nội là TP có mật độ rất cao ở khu vực nội đô và đang tăng nhanh ở ngay cả khu vực ngoại ô. Việc cải thiện chất lượng không khí cho các không gian ở trong nhà và cả ngoài trời đã trở nên bức thiết. Nhất là trong bối cảnh các giải pháp hiện nay hiệu quả chưa cao, chưa vững chắc về cơ sở và cả về khoa học, thực tiễn, cần đề xuất thêm những giải pháp khả thi.
Để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí trong các đô thị hiện nay, TS KTS. Nguyễn Tất Thắng cho rằng, cần phải đặt lĩnh vực môi trường không khí nằm trong môi trường chung của đô thị. Khi giải quyết tốt các vấn đề chất lượng môi trường, chất lượng không khí sẽ cải thiện theo. Trên phương diện quy hoạch - kiến trúc, cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về quy hoạch như mật độ xây dựng, mật độ dân số, mật độ cư trú, đồng nghĩa kiểm soát và hạn chế thấp nhất việc điều chỉnh quy hoạch. Cần xác định rõ và đầy đủ các nguồn gây ô nhiễm trực tiếp và gián tiếp để từ đó có những giải pháp quy hoạch, thiết kế, kết nối đồng bộ trên cơ sở khai thác, tận dụng môi trường tự nhiên sẵn có như ánh sáng, không khí, cây xanh, mặt nước… Đặc biệt, cần quan tâm đến việc quy hoạch các hệ thống xử lý nước thải có tính cục bộ và liên kết vành, vì hiện nay phần lớn nước thải sinh hoạt và sản xuất tại Hà Nội mới chỉ xử lý tạm thời rồi thoát ra môi trường tự nhiên.
Trong khi đó, TS KTS. Ngô Viết Nam Sơn - Chuyên gia quy hoạch cho rằng, Hà Nội cần quan tâm đến quy hoạch các khu công nghiệp như một giải pháp dài hạn, nhất là chuyển đổi mục đích sử dụng của khu công nghiệp hiện hữu trong nội đô thành các công viên cây xanh, hay không gian công cộng. Thực tế, vị trí quy hoạch các khu công nghiệp tại thời điểm lập quy hoạch không sai, do trước đây, khu vực này vốn nằm ngoài Hà Nội, gần như không ảnh hưởng đến đô thị.
Tuy nhiên, theo bản đồ quy hoạch mới, khi mở rộng đô thị, các khu công nghiệp này vô tình trở thành khu vực nằm trong đô thị, gây ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Vì vậy, trước mắt cần thực hiện những giải pháp kiểm soát lượng chất thải của các khu công nghiệp ra môi trường. “Trong tầm nhìn xa, di dời các khu công nghiệp ra xa khỏi khu dân cư đô thị là một giải pháp đáng để cân nhắc” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nhấn mạnh.
Vũ Lê - Kinh tế & Đô thị