Cách Bắc Kinh nỗ lực thoát nhóm ô nhiễm nhất thế giới


TRUNG QUỐC"Hãy nhìn đường sá của chúng tôi kìa", Bai Xiao Cheng tự hào chỉ vào con đường bêtông dẫn vào làng Tangzitou. "Thấy không, đường rất sạch!"

Con đường dài khoảng một km, không có gì đáng chú ý ngoài một tiệm tạp hóa nhỏ, lối đi vào vài ngôi nhà và mấy ôtô đỗ bên ngoài. Năm ngoái, nó còn phủ đầy bụi than, than đá chất thành đống trước cửa và lối vào các hộ gia đình.

Than đá từng là nguồn cung cấp năng lượng chính cho nấu nướng và sưởi ấm trong ngôi làng cách trung tâm Bắc Kinh một giờ lái xe về phía bắc, nơi mùa đông lạnh tới -17 độ C.

"Chúng tôi phải tiếp than vài lần một ngày, công việc rất bẩn thỉu và mệt mỏi. Chúng tôi tích trữ than trong nhà và dùng tới hàng tấn mỗi mùa đông", người đàn ông 61 tuổi nói trong cuộc phỏng vấn vào tháng 12/2018.

Một em bé ở vùng nông thôn Trung Quốc cố giữ ấm bằng cách thổi than trong bếp lò cầm tay hồi tháng 12/2017. Ảnh: Xinhua.

Một em bé ở vùng nông thôn Trung Quốc thổi than trong bếp lò cầm tay hồi tháng 12/2017. Ảnh: Xinhua.

Cảnh tượng ấy thay đổi từ tháng 9/2018, khi chính quyền xã thông báo cho 300 người làng biết họ sẽ phải chuyển từ than sang dùng khí đốt tự nhiên. "Chính quyền tịch thu lò đốt than của chúng tôi, thay vào đó là hệ thống khí gas. Họ cấm chúng tôi dùng than", Bai nói.

Từ năm 2017, chính phủ Trung Quốc cho biết khoảng 4 triệu hộ gia đình ở vùng phía bắc đã chuyển từ than đá sang khí đốt tự nhiên. Chính sách này buộc các hộ gia đình thay thế các nguồn nhiên liệu rắn ô nhiễm như than, gỗ hoặc lõi ngô bằng các nguồn năng lượng sạch hơn như điện hay khí đốt tự nhiên. Đây được coi là một trong những chiến lược lâu dài chống ô nhiễm của chính phủ Trung Quốc.

Nỗ lực thay thế than đá của chính phủ Trung Quốc ban đầu vấp phải sự phản đối, nhưng người dân vùng nông thôn dần nhận ra lợi ích của nó, đặc biệt là chất lượng không khí được cải thiện đáng kể. 

Lauri Myllyvirta, phụ trách Nhóm Chống ô nhiễm Không khí Toàn cầu của tổ chức Hòa Bình Xanh, nhận định cách tiếp cận này đã mang lại hiệu quả đáng kể, góp phần lớn vào việc giảm ô nhiễm không khí tại Bắc Kinh trong mùa đông 2017. "Chỉ số chất lượng không khí của Bắc Kinh thời kỳ này đã cải thiện vượt mức mong đợi", Myllyvirta nhận xét.

Nỗ lực này đạt thành tựu đáng kể khi Bắc Kinh sắp thoát khỏi danh sách 200 thành phố ô nhiễm nhất thế giới, theo đánh giá hôm 13/9 của Tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual có trụ sở tại Thụy Điển.

AirVisual đánh giá Bắc Kinh "đang đi đúng hướng" trong việc giảm bụi mịn PM 2.5, loại hạt nhỏ gây ô nhiễm không khí và nguy hại với sức khỏe con người, có thể gây các bệnh đường hô hấp, ung thư phổi và tim mạch.

Bầu trời Bắc Kinh xanh trong hôm 13/3. Ảnh: IC

Bầu trời Bắc Kinh xanh trong hôm 13/3. Ảnh: IC.

So với một thập kỷ trước, sự khác biệt thậm chí còn rõ rệt hơn. Nồng độ PM 2.5 trong 8 tháng đầu năm 2019 chưa bằng một nửa so với cùng kỳ năm 2009, báo cáo của AirVisual cho hay. Tuy nhiên, nồng độ hiện tại vẫn cao gấp 4 lần so với mức được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị. Bắc Kinh đứng thứ 122 trong số các thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018.

Để làm được điều này, Trung Quốc đã công bố kế hoạch hành động quốc gia về chất lượng không khí, yêu cầu mọi khu vực đô thị phải giảm nồng độ ô nhiễm bụi mịn ít nhất 10%, một số thành phố bị yêu cầu cao hơn. Để đạt chỉ tiêu giảm ô nhiễm 25%, Bắc Kinh đã chi 120 tỷ USD cho nỗ lực này.

Trung Quốc đã đóng cửa gần 2.500 nhà máy, từ chối gần 20.000 đơn xin thành lập nhà máy mới. Chính quyền cũng tuyên bố sẽ đóng cửa khoảng 1.000 nhà máy nữa tại Bắc Kinh tới năm 2020 trong kế hoạch giảm ô nhiễm không khí. Khu vực Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, vốn là nơi ô nhiễm nghiêm trọng, được xác định là trọng điểm trong cuộc chiến chống ô nhiễm.

Chính quyền sẽ cải thiện mạng lưới giao thông ở Hà Bắc, tăng cường các tiêu chuẩn phúc lợi và giáo dục ở khu vực này để thu hút nhà đầu tư chuyển tới đây. Các công ty chuyển từ Bắc Kinh sang Hà Bắc được khuyến khích đầu tư vào công nghệ chất lượng cao hơn, thân thiện với môi trường hơn.

Trung Quốc cũng cấm xây dựng các nhà máy nhiệt điện mới tại các khu vực ô nhiễm nặng nhất, bao gồm Bắc Kinh, trong khi những nhà máy đang hoạt động bị yêu cầu giảm lượng khí thải. Những thành phố lớn, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, bị hạn chế số lượng ôtô lưu thông trên đường. Trung Quốc cũng giảm công suất thép và đóng cửa nhiều mỏ than.

Bắc Kinh từ tháng 11/2008 bắt đầu chính sách cấm xe theo biển số vào khu vực Vành đai 5 mỗi ngày. Chẳng hạn như xe có biển số kết thúc bằng 1 và 6 bị hạn chế vào thứ hai, 2 và 7 vào thứ ba... Người vi phạm phải nộp phạt 200 nhân dân tệ (28 USD) và bị bấm ba lỗ trên bằng lái. Nếu bị bấm quá 12 lỗ trong một năm, lái xe sẽ bị thu hồi giấy phép, phải đi học lại và xin giấy phép mới.

Tongfei, một người dân Bắc Kinh, cho hay thời gian đầu cấm xe theo biển số, người dân cảm thấy rất khó thích nghi. "Nhiều người sử dụng ôtô hiếm khi dùng phương tiện công cộng và sau đó, họ nhận ra mỗi tuần mình phải dùng một lần. Tôi không được phép lái xe ra đường vào thứ hai nên giờ tôi đã học cách dùng xe buýt và tàu điện ngầm, cũng không quá khó", Tongfei nói.

Lệnh cấm cũng áp dụng với phương tiện đăng ký ngoài Bắc Kinh. Xe biển ngoại tỉnh không được lưu thông ở Bắc Kinh quá 7 ngày liên tục. Sau 7 ngày, xe phải rời khỏi thủ đô và xin giấy phép khác với mức phí 50 nhân dân tệ (7 USD).

Bắc Kinh cũng đang đẩy nhanh tiến độ thay thế 70.000 taxi thông thường sang taxi chạy điện. Đến cuối năm 2020, thành phố dự kiến có 20.000 taxi điện, với khả năng chạy liên tục 300 km và chỉ mất ba phút mỗi lần sạc. Bắc Kinh đến nay đã thiết lập 100 trạm sạc và sẽ mở thêm 190 trạm nữa tới cuối năm 2020.

Taxi chờ khách trước nhà ga Bắc Kinh hôm 15/7. Ảnh: Reuters.

Taxi chờ khách trước nhà ga Bắc Kinh hôm 15/7. Ảnh: Reuters

Những nỗ lực này tỏ ra có hiệu quả. Nồng độ bụi mịn của Bắc Kinh giảm 35%, Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, giảm 39%, Bảo Định, thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc năm 2015, giảm 38%, giúp tuổi thọ của người dân trong khu vực tăng trung bình 3-5 năm.

Nhưng các chuyên gia đánh giá Trung Quốc cần nỗ lực hơn nữa để đạt được mục tiêu giảm ô nhiễm môi trường.

Zou Yi, sáng lập viên tổ chức phi lợi nhuận Beijing Air Now, chụp ảnh bầu trời thành phố suốt 5 năm qua. "Tôi chia sẻ ảnh hàng ngày về bầu trời Bắc Kinh cho những người theo dõi trên mạng xã hội để họ so sánh và đánh giá. Đó cũng là cách tôi thu thập dữ liệu để làm nghiên cứu", Zou nói.

Anh nhận xét chất lượng không khí Bắc Kinh được cải thiện theo từng năm là kết quả "đáng chú ý" nhưng cho rằng công việc còn lâu mới đạt được hiệu quả mong muốn. "Vẫn có những ngày chất lượng không khí vô cùng tệ", Zou nói.

Thành phố Bắc Kinh có địa hình giống lòng chảo, không khí ô nhiễm thường tụ lại ở giữa lòng chảo và chỉ biến mất khi có gió mùa tây bắc. Dù thời tiết đóng vai trò nhất định trong việc gây ô nhiễm, đây không phải lý do chính khiến tình trạng ô nhiễm quay trở lại khu vực phía bắc Trung Quốc vào mùa đông 2018.

Đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm lại và áp lực ngày càng tăng trong chiến tranh thương mại với Mỹ, Trung Quốc đã nới lỏng nhiều biện pháp hạn chế về môi trường so với năm 2017. Tháng 9 năm ngoái, Bộ Sinh thái và Môi trường đã gỡ lệnh cấm với ngành công nghiệp nặng, phân cấp quyền giám sát và cho phép chính quyền địa phương tự đặt mục tiêu giảm ô nhiễm riêng.

"Vấn đề là chính sách kinh tế và môi trường đang được đẩy theo các hướng khác nhau. Chính sách kinh tế của Trung Quốc đề cao sự hỗ trợ với ngành công nghiệp nặng và xây dựng", Myllyvirta nói.

Ông cho rằng thay vì dựa vào các biện pháp hạn chế khí thải nghiêm ngặt buộc các nhà máy phải ngừng hoặc giảm sản xuất, Trung Quốc cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sản xuất sang các ngành công nghiệp và dịch vụ chất lượng cao hơn.

Dù vậy, những người dân như ông Bai không tỏ ra nản chí. Ông khoe hệ thống khí đốt mới trong nhà đầy tự hào. Dù phải trả tiền gấp ba lần để sưởi ấm so với dùng than, tương đương 500 USD mỗi mùa đông, ông vẫn rất hài lòng.

"Chẳng ai nói than tốt hơn cả, chúng tôi thích dùng khí gas. Nó giúp chúng tôi có nhiều thời gian hơn, không cần phải xúc than vào lò, nhiệt độ luôn ổn định và ấm áp", ông nói.

Hồng Hạnh (Theo NPR/NYTimes)