Cải thiện chất lượng không khí tại Hà Nội: Phải kiểm kê được nguồn phát thải
Nhiều năm trở lại đây, TP Hà Nội đã đẩy mạnh đầu tư trong công tác kiểm soát và xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, để cải thiện chất lượng không khí (CLKK) một cách bền vững, cần có giải pháp mới phù hợp với điều kiện kinh tế, khí hậu, thời tiết của Hà Nội.
Còn nhiều hạn chế
Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT Hà Nội Lê Tuấn Định, mặc dù đã có những tín hiệu khả quan, song công tác quản lý môi trường TP vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Cụ thể, việc triển khai các dự án đầu tư xử lý ô nhiễm môi trường còn chậm, hoạt động quan trắc và kiểm soát nguồn thải còn yếu. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các tổ chức và cá nhân còn thấp trong khi công nghệ sản xuất lạc hậu...
Thực tế cũng cho thấy, quá trình đô thị hóa nhanh kéo theo các hoạt động xây dựng hạ tầng trên khắp địa bàn TP. Cùng với sự gia tăng dân số cơ học, số lượng phương tiện giao thông cơ giới tăng mạnh đã gây ra ô nhiễm môi trường không khí, đặc biệt là ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Chất lượng môi trường không khí của TP đã có biểu hiện suy thoái.
Trong thời gian qua, đã có một số nhận định khác nhau về diễn biến CLKK của Hà Nội nhưng chưa có lập luận toàn diện về khoa học, tạo ra sự hoài nghi cho các cơ quan quản lý và cộng đồng dân cư. Điều đó cho thấy, phương pháp thu thập thông tin hiện nay thiếu nhiều yếu tố xác đáng.
“Để có được bằng chứng khoa học chính xác trong việc đánh giá hiện trạng, xác định nguồn thải và ảnh hưởng của ô nhiễm không khí đến phát triển chung cũng như sức khỏe cộng đồng, cần có nghiên cứu khoa học làm cơ sở xây dựng các chính sách, giải pháp tổng thể, hiệu quả giúp TP xây dựng kế hoạch hành động cải thiện CLKK” - ông Lê Tuấn Định nhìn nhận.
Đánh giá về nỗ lực của Hà Nội trong việc cải thiện CLKK, GS.TS Hoàng Xuân Cơ – Trung tâm Nghiên cứu quan trắc và mô hình hóa môi trường – trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả bước đầu, nhất là sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền. Tuy nhiên với thực tế hiện nay, Hà Nội rất cần những biện pháp, mô hình mới khả quan hơn để việc quản lý CLKK.
Các gợi ý cho Hà Nội
Tại hội thảo “Cải thiện CLKK Hà Nội: Cập nhật nghiên cứu và giải pháp” do Sở TN&MT Hà Nội tổ chức mới đây, các chuyên gia về môi trường đã bàn thảo, đưa ra các nghiên cứu, giải pháp giảm ô nhiễm môi trường không khí ở TP Hà Nội trong thời gian tới.
Đáng chú ý là GAINS - mô hình nổi tiếng trên thế giới trong quản lý CLKK tại 48 quốc gia châu Âu và một số quốc gia tại châu Á như Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… Mô hình này giúp Nhà nước xác định các chính sách hiệu quả về mặt chi phí và biện pháp kỹ thuật trong quản lý CLKK.
Tới đây, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới (WB), công cụ chính sách quản lý CLKK dựa trên mô hình GAINS sẽ được chuyển giao cho Bộ TN&MT, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh... Với sự hỗ trợ của WB, Công ty Tư vấn RCEE-NIRAS đang xây dựng bộ số liệu đầu vào cho riêng Hà Nội, tập trung vào cập nhật dữ liệu từ các nguồn thải như làng nghề, sinh hoạt dân cư, đốt rơm rạ, giao thông, xây dựng, công nghiệp, năng lượng.
PGS.TS Vũ Thanh Ca – giảng viên cao cấp Đại học TN&MT cho biết, kiểm kê nguồn phát thải mới là giải pháp căn cơ và cốt yếu để giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí tại Hà Nội. Khi đã đánh giá, điều tra được vị trí phát thải thì mới sử dụng mô hình số trị đáng tin cậy, có khả năng tính toán lan truyền biến đổi các chất ô nhiễm không khí như khói, bụi, khí độc... "Phải đánh giá tất cả các nguồn có tiềm năng gây ô nhiễm mới tiến hành bước kiểm định mô hình, sau đó mới tính toán các kịch bản" - PGS.TS Vũ Thanh Ca nói.
Với những nghiên cứu, giải pháp mới được đưa ra nhằm cải thiện CLKK Hà Nội, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN&MT Hà Nội Lưu Thị Thanh Chi cho rằng, từ những kết quả nghiên cứu này, cơ quan quản lý Nhà nước sẽ chắt lọc, đưa ra giải pháp mà TP Hà Nội nên áp dụng để có kế hoạch tổng thể cải thiện CLKK. Về xác định nguồn thải, theo lộ trình, cuối năm 2020 TP Hà Nội sẽ có kết quả cụ thể về vấn đề này.
"Cần xếp hạng thứ tự ưu tiên việc xử lý các nguồn thải và xây dựng kế hoạch hành động dựa trên việc xếp loại đó mới có được lộ trình đầy đủ, chính xác để giải quyết ô nhiễm không khí Hà Nội." - Giảng viên cao cấp Đại học TN&MT, PGS.TS Vũ Thanh Ca |
Hà Ánh - Kinh tế & Đô thị