Sớm có những dự án cần thiết để cải thiện môi trường


Sở TN&MT TP Hà Nội vừa có văn bản tổng hợp, báo cáo về việc tiếp thu ý kiến của các Hội nghị góp ý vào Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ TP trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường. Theo đó, Sở TN&MT đã đề nghị bổ sung nhiều nội dung vào Báo cáo nhằm làm rõ hơn công tác bảo vệ môi trường của TP.

Bổ sung nội dung ứng phó với sự cố môi trường

Theo báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội, đối với nội dung quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ TP, nhiệm kỳ 2015 – 2020, hầu hết các ý kiến đều nhất trí với đánh giá trong báo cáo.

Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần bổ sung để làm rõ ý. Ví như công tác bảo vệ môi trường trong nhiệm kỳ vừa qua đã được các cấp lãnh đạo TP quan tâm nhiều, tuy nhiên vẫn còn những hạn chế, chưa đáp ứng đầy đủ theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, còn tình trạng ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường không khí, nước.

Vì vậy, để nâng cao hiệu quả, Sở TN&MT đề nghị bổ sung vào báo cáo nội dung này, đặc biệt cần phải cụ thể hóa sự chung tay, góp sức của các cấp, ngành và toàn thể Nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường.

Cùng đó, đối với một số sự cố môi trường (sự cố cá chết ở Hồ Tây, sự cố nước sạch Sông Đà, tình trạng ô nhiễm không khí) được TP quyết liệt chỉ đạo xử lý, khắc phục hạn chế thấp nhất thiệt hại; xây dựng các kịch bản nhằm ứng phó với các sự cố môi trường có thể xảy ra trong tương lai, nhằm kịp thời quản lý và giảm thiểu các rủi ro có thể trở thành thảm họa môi trường… cũng cần được đưa vào báo cáo.

Khẩn trương di dời cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô

Đối với nội dung nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; chủ động phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, ứng phó với biển đổi khí hậu thuộc phần nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong giai đoạn 5 năm 2020 - 2025, báo cáo đã khái quát được việc quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị sớm có những dự án cần thiết để cải thiện môi trường như: Cần khẩn trương thực hiện việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm không khí, nguồn nước ra khỏi nội đô như khu công nghiệp cao - xà - lá (Thanh Xuân)…

Lập dự án bảo vệ an toàn nguồn nước sông Đà, sông Hồng và gần 300 hồ, đặc biệt là Hồ Tây (báu vật của quốc gia), hồ Bảy Mẫu, Suối Hai, Đồng Sương… Cần có dự án để làm “sống lại” các sông Nhuệ, Đáy, Tích, Tô Lịch…

Tiếp thu ý kiến này, Sở TN&MT đề nghị bổ sung vào báo cáo nội dung hoàn thành việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, một số trường đại học, cơ sở khám, chữa bệnh ra khỏi trung tâm TP. Đẩy nhanh công tác cải tạo cảnh quan, xử lý ô nhiễm các con sông nội đô như sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, sông Kim Ngưu…

Báo cáo của Sở TN&MT Hà Nội cũng cho biết thêm, việc tăng cường công tác bảo vệ môi trường, có 2 ý kiến đề nghị bổ sung thêm nội dung. Đó là đẩy mạnh việc đầu tư mở rộng các tuyến hướng tâm, tuyến vanh đai, đường cao tốc, đường xuyên tâm và tuyến đường sắt đô thị, đặc biệt tàu điện ngầm. Đồng thời đầu tư các bến, bãi đậu xe nhằm tăng cường mật độ đường, tỷ lệ đất dành cho giao thông và giãn mật độ xe lưu thông trên các tuyến đường nhằm giảm các điểm kẹt xe, giảm khí thải giao thông gây ô nhiễm môi trường. Tổ chức thực hiện chính sách phát triển khu sinh thái của Thủ đô. 

Thương Huế - Kinh tế & Đô thị