Xóa bỏ bếp than tổ ong tại Hà Nội: Hiệu quả bước đầu
Sử dụng bếp than tổ ong (BTTO) là một trong những tác nhân dẫn đến ô nhiễm không khí trong nội đô, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
Do đó, ngày 30/10/2019, UBND TP Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế loại bỏ toàn bộ BTTO trên địa bàn TP Hà Nội. Sau 6 tháng thực hiện đã cho thấy những hiệu quả bước đầu.
Giảm hơn 70% bếp than tổ ong
Lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, vào tháng 1/2017, toàn TP có 56.670 BTTO nhưng đến nay chỉ còn 15.418 bếp, giảm 72,8%. Kết quả cho thấy, việc giảm BTTO giúp giảm tiếp xúc với các chất ô nhiễm không khí từ nấu ăn cho 160.000 người ở Hà Nội. Bà Lê Thanh Thủy – Trưởng phòng Quản lý dự án và truyền thông, Chi cục Bảo vệ Môi trường (Sở TN&MT) thông tin, Hoàn Kiếm là quận duy nhất loại bỏ hoàn toàn việc sử dụng BTTO, huyện Sóc Sơn giảm 99%, huyện Ứng Hòa giảm 98% và quận Long Biên giảm 91%.
4 quận, huyện trên đã giảm từ 15.000 BTTO vào năm 2017 xuống còn 420 bếp vào tháng 6/2020. Các quận Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và Hoàng Mai còn tồn tại lượng BTTO lớn nhất (hơn 1.500 bếp), chiếm 46% lượng khí thải PM2.5 do bếp than tổ ong của toàn TP.
Cũng theo đại diện Chi cục Bảo vệ Môi trường, nếu Hà Nội thành công trong việc chuyển đổi tất cả BTTO thành bếp ga LPG vào năm 2021 sẽ giảm mức phát thải CO2 ước tính là 500.000 tấn/năm so với năm 2017. Điều này góp phần giảm tổng 7,5% lượng khí thải CO2 từ khu vực dân cư trên toàn Việt Nam.
Chia sẻ về những giải pháp đã đem lại hiệu quả tại quận Hoàn Kiếm, bà Trịnh Thị Minh Phương - Phó trưởng Phòng TN&MT quận cho biết: “Quận đã tổ chức hội thảo tuyên truyền để người sử dụng trực tiếp thấy được mức độ nguy hại của BTTO. Đồng thời tuyên truyền tại 20 trường tiểu học, THCS để học sinh nhận thức rõ và tác động đến phụ huynh. Đặc biệt, lực lượng chức năng khi ra quân giải quyết trật tự đô thị cũng vừa kết hợp tuyên truyền và thu gom những BTTO đốt trên vỉa hè gây ô nhiễm”.
Bà Trịnh Thị Minh Phương thông tin thêm, quận còn giới thiệu các loại bếp thay thế, khám sức khỏe cho những người sử dụng BTTO, sử dụng quỹ phúc lợi địa phương hỗ trợ các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, tặng bếp hồng ngoại, bếp từ. Cùng với đó thiết lập nhóm tương tác trên mạng xã hội giữa lãnh đạo quận, các phường để kịp thời xử lý khi có trường hợp tái sử dụng.
Tập trung triển khai nhiều giải pháp quan trọng
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị 15/CT-UBND, theo Chi cục Bảo vệ Môi trường, 6 tháng còn lại của năm 2020, các cấp, ngành, đơn vị chức năng sẽ triển khai nhiều phương án để loại bỏ toàn bộ BTTO trên địa bàn TP; yêu cầu người dân chuyển sang sử dụng các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường và sức khỏe cộng đồng. Trong đó, tiếp tục rà soát, xây dựng và ban hành các quy định đặc thù của quận, huyện nhằm có công cụ pháp lý, chế tài phù hợp để giải quyết BTTO. Đẩy mạnh kiểm định các công nghệ mới thay thế (bếp cải tiến) và giới thiệu cho địa phương...
Bà Lê Thanh Thủy cho rằng, nâng cao nhận thức và thay đổi thói quen sử dụng BTTO của người dân là một trong những yếu tố quan trọng để có thể xóa bỏ hoàn toàn loại bếp này. Tuy nhiên, trong trường hợp người dân cố tình không thực hiện, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, Hà Nội sẽ căn cứ vào Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để xử lý.
“Ngoài những chế tài sẵn có, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ xây dựng một bộ chế tài đặc thù của TP theo Luật Thủ đô. Chúng ta sẽ có đầy đủ bộ công cụ chế tài, cùng sự đồng hành giám sát của các địa phương, cộng đồng để hoàn thành mục tiêu xóa bỏ BTTO vào năm 2021, nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thủ đô" - bà Lê Thanh Thủy nói.
Hà Ánh - Kinh tế & Đô thị