Cách Paris giải quyết ô nhiễm không khí
Paris xác định phương tiện cá nhân là một nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí và có biện pháp quyết liệt để xử lý, theo hai chuyên gia Pháp.
"Các thành phố đối mặt trước thực trạng ô nhiễm không khí có rất nhiều vấn đề cần giải quyết. Việc xác định nguyên nhân gây ô nhiễm không khí rất quan trọng, giống như người bệnh cần được chẩn đoán đúng bệnh để kê đơn và đưa ra phác đồ điều trị", Karine Leger, giám đốc mạng lưới quản lý chất lượng không khí Paris AirParif, nói tại tọa đàm về ô nhiễm không khí tại Trung tâm Văn hoá Pháp ở Hà Nội chiều nay.
Theo bà Leger, vấn đề đầu tiên do ô nhiễm không khí gây ra là sức khoẻ con người. Theo thống kê, có khoảng 8 triệu ca chết sớm do ô nhiễm không khí trên thế giới mỗi năm. Vấn đề thứ hai là ảnh hưởng tới đa dạng sinh học, góp phần gây biến đổi khí hậu và thứ ba là các vấn đề pháp lý, khi có nhiều công dân hoặc tổ chức phi chính phủ (NGO) ở Paris từng kiện chính quyền vì ô nhiễm không khí.
Karine Leger, giám đốc Airparif, mạng lưới quản lý chất lượng không khí thành phố Paris tại buổi toạ đàm ở Hà Nội chiều 12/10. Ảnh: Gia Chính. |
Bà cho rằng ô nhiễm không khí hiện nay như phần nổi của tảng băng chìm, không chỉ diễn ra trong vài ngày hay vài tuần, mà luôn tiềm ẩn mọi thời điểm. Ô nhiễm không khí chủ yếu diễn ra ở các nước nghèo và các nước đang phát triển, nhưng những khu vực phát triển như thủ đô Paris của nước Pháp cũng phải hứng chịu tình trạng này.
Paris cách xa Hà Nội hơn 9.000 km, nhưng có chung mối quan tâm về vấn đề ô nhiễm không khí, bà Leger cho biết. Ở Paris, ô không nhiễm không phải là vấn đề mới mà xuất hiện ngay từ thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, khi các ngành công nghiệp phát triển.
Paris hiện nay là thành phố đông dân nhất châu Âu và là một trong 10 thành phố đông dân nhất thế giới với 2,2 triệu dân trên 100 km2 và vùng đại đô thị lên tới 11 triệu dân. Người dân Paris rất quan tâm tới chất lượng không khí, đặc biệt là chất lượng không khí ngoài trời.
"Chính quyền thành phố đã xác định nguyên nhân ô nhiễm không khí chủ yếu là do giao thông, thêm vào đó là các lò sưởi được sử dụng để sưởi ấm nhà cửa vào mùa đông. Từ đó, Paris đã có những nỗ lực suốt gần 20 năm qua nhằm cải thiện chất lượng không khí", Leger nói.
Hình ảnh tháp Effel ở Paris được hệ thống AirParif Generali chụp lại trong một ngày ô nhiễm hồi tháng 1/2017. Ảnh: Reuters. |
Năm 2004, Hội đồng Paris đã thông qua bản Kế hoạch khí hậu lần đầu tiên. Năm 2018, Hội đồng đặt ra mục tiêu mới cho vùng thành phố Paris cho năm 2024, năm tổ chức Thế vận hội Olympic và 2030, đề cập các hành động cấp thiết vì lợi ích của người đi bộ, người đi xe đạp và giao thông công cộng. Năm 2017, vùng phát thải thấp (French Low Emission Zone) đầu tiên của Pháp đã được thành lập.
Ông Olivier Chretien, trưởng phòng Tác động Môi trường của Ủy ban Sinh thái Đô thị thành phố Paris, cũng cho rằng việc xác định được nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là vấn đề cốt lõi trong việc giúp chính quyền Paris đưa ra các giải pháp phù hợp.
Sau khi xác định được nguyên nhân chính của ô nhiễm không khí đến từ giao thông, thành phố đã tập trung vào các biện pháp như giảm lưu lượng ôtô lưu thông, đồng thời kiểm soát và cắt giảm tối đa lượng khí thải độc hại phát ra từ các phương tiện bằng cách đánh số từ 1 đến 5 cho mức độ phát thải của phương tiện.
Từ 2001 đến 2018, chính quyền Paris tập trung thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, trong đó nổi bật nhất là phát triển giao thông vận tải công cộng, ưu tiên đi bộ và xe đạp. Con đường bên bờ kè sông Seine được thiết kế dành riêng cho các đối tượng này.
Paris cải tạo 7 quảng trường lớn trong thành phố, triển khai một mạng lưới tàu điện mới ở khu vực vành đai, đảm bảo xe bus và bus nhanh đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. "Ở Paris, cứ 500 mét lại có một bến tàu điện ngầm và điều này đã được thực hiện trong suốt nửa thế kỷ qua. Các vấn đề quy hoạch kiến trúc cũng nhằm đảm bảo nhu cầu di chuyển sao cho thuận lợi nhất của người dân", Chretien cho biết.
Các con đường dành riêng cho xe đạp được mở rộng, mạng lưới cho thuê xe đạp Velib phát triển và được nâng cấp, khuyến khích người dân sử dụng loại phương tiện này. Ngoài ra, mạng lưới đi chung xe hoặc cho thuê xe chở hàng, xe chuyên dụng cũng được phát triển.
Trả lời VnExpress về kinh nghiệm xử lý ô nhiễm chì sau vụ cháy Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 15/4, hai chuyên gia Pháp cho hay khu vực bị ảnh hưởng chủ yếu ở phạm vi quận 1 của thành phố Paris. Đây được coi là một vấn đề phức tạp chứ không đơn thuần là ô nhiễm không khí, bởi bụi chì ô nhiễm có thể lắng đọng trên mặt đất và bay vào môi trường xung quanh.
"Các biện pháp ban đầu mà chính quyền thành phố đã thực hiện là giải thích, tuyên truyền cho người dân, thực hiện chiến dịch tẩy rửa bề mặt nhằm giảm thiểu tác động của ô nhiễm chì đối với môi trường", Chretien nói.
Olivier Chretien, trưởng phòng Tác động Môi trường của Ủy ban Sinh thái Đô thị thành phố Paris tại toạ đàm ở Hà Nội chiều 12/10. Ảnh: Gia Chính. |
Để hạn chế tác động từ ô nhiễm không khí, Paris cũng chú trọng việc tái cấu trúc không gian, như di dời người dân ở khu vực phải tiếp xúc với nguồn không khí ô nhiễm, tích cực triển khai các biện pháp truyền thông về ô nhiễm, trong đó có hệ thống AirParif.
AirParif là mạng lưới quản lý chất lượng không khí đặc biệt và duy nhất trên thế giới, liên tục cập nhật các nhận định, ý kiến chuyên gia nhằm giải thích cho người dân hiểu về tình hình, chất lượng không khí.
Kết quả là trong giai đoạn 2001-2018, thủ đô Pháp giảm được 30% lưu lượng giao thông và giảm được 22% lượng khí phát thải CO2 từ 2005 đến 2015.
Tuy nhiên, Chretien cũng nêu những khó khăn của Paris trong quá trình thực hiện các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm không khí. Trong quá trình hạn chế phương tiện giao thông, nhiều người nghèo, thu nhập thấp không có đủ tiền để đổi các phương tiện mới đảm bảo quy chuẩn về khí thải.
Theo ông, chính quyền cần hỗ trợ tài chính, có các biện pháp trợ cấp nhằm giúp họ đổi sang các dòng xe đạt tiêu chuẩn khí thải. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần giám sát nghiêm ngặt trong việc đánh số mức độ phát thải của phương tiện, lắp đặt các trạm cảm biến và đánh thuế môi trường đối với các doanh nghiệp.
Ông cũng chỉ ra các tồn tại của Paris hiện nay là chưa loại bỏ được các xe chạy dầu diesel và thay thế xe hơi bằng các phương tiện ít ô nhiễm hơn. Ngoài ra, vấn đề người dân sử dụng lò sưởi mở, nguồn phát thải chính gây ra bụi mịn (PM2.5), hiện vẫn chưa được giải quyết triệt để. "Nhận thức của người dân về vấn đề chất lượng không khí trong nhà vẫn cần phải được thay đổi", ông nói.
Theo Mai Lâm - Báo VnExpress